Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội: CPI tháng 7 tăng 0,19% do thịt lợn tăng giá
Thu Trang - 28/07/2018 10:48
 
Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 3,61% so bình quân cùng kỳ.
1
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 3,61% so bình quân cùng kỳ do giá thịt lợn tăng

Theo đó, mức tăng này làm ảnh hưởng đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,61% so với tháng trước, đây cũng là nhóm có quyền số cao nên chỉ số tăng đã tác động không nhỏ đến chỉ số chung.

Trong tháng giá dầu hỏa và dầu diezen được điều chỉnh tăng giảm 2 lần, còn giá xăng vẫn ổn định, tính giá bình quân thì xăng dầu đều giảm khiến cho nhóm giao thông giảm 0,77% so với tháng trước. Miền Bắc vẫn trong những ngày nắng nóng nên sản lượng tiêu thụ điện cao; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,74% so tháng trước. 

Trong tháng này một số dịch vụ y tế được điều chỉnh theo thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2018 thay cho Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC do đó một số dịch vụ khám chữa bệnh và phí giường nằm của bệnh viện giảm. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú giảm dẫn đến nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giảm 3,48% so với tháng trước. Một vài nhóm khác có chỉ số giảm nhưng mức giảm không đáng kể. 

Cụ thể, trong tháng 7, nhóm lương thực giảm mạnh với mức giảm là 3,91% so với tháng trước. Giá một số mặt hàng như gạo, ngô, khoai...giảm do nguồn cung dồi dào.

Nhóm thực phẩm tiếp tục tăng 1,73% so với tháng trước. Do hầu hết các mặt hàng trong nhóm tăng như nhóm thịt lợn có chỉ số tăng 4,31%, thịt bò là 0,29%, thịt gà là 1,61% và gia cầm khác là 2,34%...Giá thịt lợn tăng chủ yếu do nguồn cung giảm. Hiện nay tổng đàn lợn đã giảm do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau thời gian dài thua lỗ không tái đàn nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào các trang trại chăn nuôi lớn. Mặc dù những ngày gần đây giá thịt lợn có dấu hiệu chững lại nhưng mức giá vẫn rất cao. Dự báo giá thịt lợn trong thời gian tới sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung khá dồi dào và đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp. Giá gia cầm tăng nhẹ từ 1% - 4% so với tháng trước. 

Giá các loại thủy hải sản như các loại cá và ngao, mực tăng nhẹ, trong khi đó tôm và một số loại hải sản tươi sống khác lại giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi cho việc đánh bắt được dễ dàng.

Về giá hàng tiêu dùng, một số mặt hàng trong nhóm may mặc có xu hướng chững lại, chỉ có một vài mặt hàng như vải các loại tăng và một số dịch vụ may mặc, sửa chữa giầy dép tăng khiến cho nhóm may mặc tăng 0,5% so tháng trước. Một số mặt hàng khác như ti vi, máy vi tính, máy in...đang được các cửa hàng áp dụng nhiều hình thức khuyến mại để kích cầu người mua do đó nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm nhẹ 0,05% so với tháng trước.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số tăng 0,74% so tháng trước. Giá gas tháng này tăng nhẹ 1.000 đ/bình 12kg. Giá gas ổn định là do tác động của giá gas thế giới bình quân tháng Bảy vừa công bố ở mức 562.5 USD/tấn tăng 2.5USD/tấn. Nhóm vật liệu xây dựng như xi măng, đá, cát, sỏi ổn định. Hiện giá gas trong nước có giá khoảng 350.000 -380.000 đ/bình 12kg tùy từng hãng.

Mặc dù trong tháng giá xăng dầu ổn định nhưng do tháng 6 giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nên tính giá bình quân xăng dầu giảm. Hiện giá xăng E5 có giá là 19.610 đ/lít, xăng A95 có giá là 21.370 đ/lít. Giá dầu diezen 0.05S hiện có giá là 17.240 đ/lít. Nhóm dịch vụ giao thông công cộng giảm chủ yếu ở mặt hàng vé máy bay  đã khiến cho nhóm giao thông giảm 0,77% so với tháng trước. 

Cũng theo Cục Thống kê Thành phố, trong tháng, chỉ số giá vàng và USD trái chiều nhau, vàng giảm 1,92% và chỉ số USD tăng 0,83% so với tháng trước.

[Infographic] CPI bình quân 6 tháng năm 2018 tăng 3,29%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư