Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội đã thu được hơn 700 tỷ đồng tiền thuế từ các đơn vị bị "bêu tên"
Xuân Dũng (Vietnam+) - 31/07/2015 08:12
 
Đã có 136 trên tổng số 268 doanh nghiệp, dự án nợ thuế nộp lại ngân sách số tiền gần 705 tỷ đồng sau khi bị công khai danh tính.
Ảnh minh họa: Hoài Nam
Ảnh minh họa: Hoài Nam

Theo thông tin vừa được Cục thuế thành phố Hà Nội cho biết, phần lớn trong số tiền đã nộp lại ngân sách là những khoản nợ tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn thành phố. Cụ thể, đã có 25/38 dự án sau công khai đã nộp lại ngân sách Nhà nước xấp xỉ 525 tỷ đồng.

Trong khi ấy, với 230 doanh nghiệp đã được công khai tên, cơ quan chức năng cho biết đã có 111 đơn vị nộp tiền với tổng số gần 180 tỷ đồng.

Đánh giá về quá trình này, đại diện ngành thuế cho rằng, thực tế cho thấy việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng thuế là giải pháp đúng đắn.

"Đã có không ít các doanh nghiệp trong danh sách công khai nợ thuế cũng như các doanh nghiệp nằm ngoài danh sách sau khi việc công bố được thực hiện đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách Nhà nước hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế," văn bản của ngành thuế đánh giá.

Tuy vậy, cũng chính cơ quan này cũng thừa nhận, sau khi công khai, ngành thuế thuế đã nhận được phản hồi từ một số doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý phản ánh có sai lệch thông tin nợ thuế.

"Trên cơ sở số liệu đã kiểm tra, rà soát, đối với các trường hợp có sai sót, ngày 24/7, Cục thuế đã kịp thời có công văn đính chính số tiền nợ thuế, xin lỗi công khai gửi tới từng doanh nghiệp," đại diện Cục thuế thành phố Hà Nội cho biết.

Đây cũng là vấn đề đã được Tổng cục Thuế thừa nhận có sai sót với nguyên nhân cơ quan chức năng đang thực hiện chuyển đổi ứng dụng phần mềm quản lý mới, từ quản lý phân tán sang quản lý tập trung.

Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã đưa tên 34 doanh nghiệp ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ra khỏi danh sách nợ thuế. Riêng với thành phố Hà Nội, báo cáo cũng cho thấy đã có 8 trường hợp được đưa ra khỏi danh sách và 27 trường hợp cần điều chỉnh.

Về giải pháp trong thời gian tới, đại diện cơ quan chức năng cho biết với những đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn nợ thuế, cơ quan thuế sẽ kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.

Khó xử lý hình sự doanh nghiệp nợ thuế
Chỉ riêng 400 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM đã có số tiền nợ thuế lên tới 8.189 tỷ đồng. Xử lý số tiền này thế nào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư