Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Gia tăng số vụ lừa đảo đặt phòng homestay trên mạng xã hội
Hạnh Nguyên - 23/07/2021 07:38
 
Nhu cầu nghỉ dưỡng tại các villa, homestay ở ngoại thành và quanh Hà Nội tăng cao kéo theo sức ép về duy trì chất lượng, cũng như gia tăng số vụ lừa đảo trên mạng xã hội.
Homestay The Nakedsoul mà đối tượng dùng để lừa đảo
Homestay The Nakedsoul mà đối tượng dùng để lừa đảo. Nguồn: cand.com.vn

Xu hướng nghỉ dưỡng gần

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, addmin Fanpage Villa - Homestay gần Hà Nội cho biết: “Từ khi Covid-19 ập đến, nhu cầu, thói quen du lịch của du khách đã thay đổi. Thời điểm này, khi nguy cơ dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, du khách Hà Nội thường đi nghỉ theo gia đình và nhóm bạn đến các villa, homestay với không gian tách biệt, đảm bảo an toàn phòng dịch”.

Nắm bắt xu hướng đó, các doanh nghiệp lữ hành đã liên kết bán dịch vụ cho thuê villa, homestay khu vực ngoại thành và vùng lân cận. “Fanpage Villa - Homestay gần Hà Nội ghi nhận nhu cầu tăng cao trong thời gian gần đây. Lịch đặt cơ bản kín trong tháng 7 và đầu tháng 8. Ngoài các điểm du lịch ngoại thành Hà Nội, một số điểm tại Hòa Bình, Ninh Bình không yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19 vẫn hút dòng khách muốn đi nghỉ dưỡng từ Hà Nội”, ông Đạt cho biết.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Hà Nội vẫn cho phép kinh doanh hoạt động lưu trú để đáp ứng chủ trương vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, nên lượng khách du lịch sụt giảm, tỷ lệ công suất phòng hoạt động của các cơ sở lưu trú đạt thấp. Gần đây, do nhu cầu của nhiều khách hàng trong nội thành Hà Nội, các loại hình nghỉ dưỡng tại villa, homestay ngoại thành Hà Nội trở nên nhộn nhịp.

“Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện nghiêm công tác phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế. Các huyện ngoại thành có các cơ sở kinh doanh villa, homestay phải tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện nghiêm công tác phòng dịch và đảm bảo trật tự an toàn tại cơ sở”, ông Hiếu thông tin.

Gia tăng lừa đảo trên mạng xã hội

Mới đây, chị Nguyễn Trà Mi, một khách lưu trú tại L.Villa (Sóc Sơn) bức xúc bởi chất lượng hạ tầng và ứng xử kém của nhân viên nơi đây. “Bỏ ra 25 triệu đồng thuê villa, nhưng tôi nhận được mấy gian phòng cạnh nhau như dãy nhà trọ, không có phòng khách, còn bị mất điện… Khi chúng tôi phàn nàn, bên villa nói sự cố phải chấp nhận, còn cãi nhau tay đôi với khách, không một lời xin lỗi, không thông cảm hay đền bù gì cho khách…”, chị Mi nói.

Không riêng chị Mi, trên các diễn đàn, nhiều du khách khác cũng chia sẻ những chuyến đi thất vọng tại một số mô hình villa ngoại thành Hà Nội.

Đánh giá chất lượng các villa quanh Hà Nội, ông Đạt cho biết: “Có sự chênh lệch khá lớn giữa các villa. Có nơi chất lượng rất tốt, nhưng cũng có nhiều cơ sở không đảm bảo quy chuẩn kinh doanh lưu trú. Chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, khảo sát thực tế thì mới dám bán cho khách, bởi đã có tình trạng hình quảng cáo một đằng, thực tế lại một kiểu”.

Cũng theo ông Đạt, chất lượng của các villa này phụ thuộc theo phong cách của chủ nhà, khác với khách sạn, resort có tiêu chuẩn rõ ràng. Thậm chí, nhiều cơ sở chưa được coi là cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật.

Chẳng những không đảm bảo về chất lượng dịch vụ, khách hàng đặt phòng villa ngoại thành Hà Nội trên mạng xã hội cũng chịu nguy cơ bị kẻ xấu lừa tiền. CEO HVN Travel Trương Minh Tuấn cho hay, không ít người đóng vai nhân viên bán phòng villa, tham gia các nhóm, trang mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, rồi tư vấn hòng lừa đảo thu tiền đặt cọc, thường là 50% toàn bộ chi phí.

Tinh vi hơn, có những tài khoản giả mạo y hệt tài khoản của những người bán villa, homestay uy tín để lừa khách hàng. Thậm chí, có cả các tài khoản đồng phạm vào ủng hộ những tài khoản giả này, nhằm tăng độ thuyết phục. “Trong ngành du lịch, mọi dịch vụ đều có giá trị thực, không có sản phẩm tốt mà quá rẻ, vì vậy, du khách nên biết nghi ngờ, cân nhắc và kiểm tra lại, nếu mức giá đưa ra rẻ tới mức… giật mình”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyên du khách nên chọn những công ty lữ hành uy tín, bởi họ biết villa nào tốt, xấu, giảm thiểu rủi ro. Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp chủ cơ sở để kiểm tra thông tin về phòng nghỉ hoặc về nhân viên bán hàng trước khi giao dịch đặt cọc. Trước khi chuyển khoản, khách hàng cần yêu cầu nhân viên tư vấn gửi chứng minh thư để kiểm tra xem có trùng tên tài khoản facebook không, thậm chí gọi điện video để kiểm chứng...

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, theo phân cấp, việc quản lý tiêu chí, chất lượng dịch vụ loại hình villa, do các quận, huyện đảm nhiệm. Sắp tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ rà soát lại tổng thể các cơ sở lưu trú còn hoạt động để có đánh giá, phân tích và định hướng hoạt động.  

Triệt phá sàn Hitoption.net, phát hiện đường dây 16 sàn lừa đảo, chiếm đoạt hơn 7.500 tỷ đồng
Sau khi mở rộng điều tra, Công an Hải Phòng phát hiện các đối tượng đang quản lý hàng loạt sàn giao dịch ngoại hối, sàn BO, tiền ảo… với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư