Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: “Hiến kế” phát triển “đặc sản” du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên
Hồ Hạ - 26/04/2023 21:35
 
Các chuyên gia, doanh nghiệp đã “hiến kế” giúp huyện Phú Xuyên trở thành điểm đến du lịch làng nghề trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Chiều 26/4, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Hội nghị “Nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch huyện Phú Xuyên với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023”.

Quang cảnh Hội nghị.

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn chuyên gia, doanh nghiệp, báo chí do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Phú Xuyên tổ chức đã khảo sát nhiều điểm du lịch trên địa bàn huyện Phú Xuyên gồm: chùa Ráng, làng Cựu, nghề may Comple xã Vân Từ, làng nghề giầy da xã Phú Yên, làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam của TP. Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km. Quy mô làng nghề ngày càng được duy trì và phát triển, với 154/154 làng có nghề, trong đó 43 làng nghề được TP. Hà Nội công nhận và 112 di tích lịch sử được xếp hạng (35 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp TP.). 

Cùng với đó còn có một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đình, đền, chùa có giá trị về tâm linh và văn hóa như: Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy, chùa Ráng, cây Lộc vừng cứu quốc, cây đa Giời ơi - cây di sản Việt Nam; đình Kim Quy, đình làng Đa Chất hơn 500 năm tuổi,... 

Với hệ thống tài nguyên du lịch văn hoá phong phú, Phú Xuyện hiện có 2 điểm du lịch đã được UBND TP. Hà Nội công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017 là điểm du lịch làng nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ và điểm du lịch làng nghề may Vân Từ. 

Đoàn khảo sát nhà cổ tại làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên.

Đến làng khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm khảm chân dung của cả trăm người, không ai giống ai, mỗi gương mặt đều toát lên thần thái riêng. Hay những bộ bàn ghế, tủ, sập… trị giá cả tỷ đồng. 

Cách đó không xa, làng Cựu (xã Vân Từ) đặc biệt không kém với nghề may com lê, váy đầm hình thành từ thời Pháp thuộc. Đặc biệt, nơi đây còn giữ được gần 40 ngôi biệt thự cổ pha lẫn kiến trúc Pháp và Việt cổ. Những ngôi biệt thự đầy rêu phủ, vôi vữa đã hoang hóa rơi rụng, xen kẽ với những ngôi nhà cấp bốn hay mái bằng là sự pha trộn kiến trúc mang đến cảm giác nửa lạ, nửa quen đầy thú vị. Cũng bởi thế, những năm gần đây, làng Cựu đã rất thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài và các bạn trẻ đến tham quan.

Đoàn khảo sát chụp hình lưu niệm tại làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên

Trong khi đó, du khách không khỏi choáng ngợp khi lạc vào thế giới giày da ở làng Phú Yên với hàng trăm gia đình làm nghề. Chỉ tính riêng khu trưng bày và bán sản phẩm kéo dài gần 2km ở đầu làng đã có tới gần 400 hiệu giày san sát nhau. Không chỉ làm từ các loại da thật, giày ở đây còn đa dạng, phong phú về kiểu dáng, màu sắc, kích thước mà giá cả rất phải chăng. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện có 25.400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chiếm 39% tổng số hộ. Có 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện. Toàn huyện có 474 công ty, trong đó có 456 công ty, doanh nghiệp bà 18 hợp tác xã hoạt động tiểu thủ công nghiệp..

Đặc biệt, các sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính.

Đoàn tham quan, khảo sát sản phẩm, dịch vụ tại làng Chuôn Ngọ.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Huy, huyện Phú Xuyên đang ra sức phấn đấu giai đoạn 2025 – 2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, ngành du lịch huyện Phú Xuyên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp khẳng định, các làng nghề ở Phú Xuyên rất độc đáo, nhưng tất cả các giá trị ấy vẫn đang ở dạng tiềm năng. Bởi, lượng khách đến các làng nghề rất khiêm tốn và chưa có du khách nào lưu trú tại địa phương. 

Các chuyên gia, doanh nghiệp đã “hiến kế” nhằm hỗ trợ các điểm du lịch trên địa bàn huyện Phú Xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của TP. Hà Nội và kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các gói sản phẩm du lịch phù hợp nhằm thu hút khách du lịch.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thế mạnh của Phú Xuyên là du lịch làng nghề, vì thế rất cần các doanh nghiệp lữ hành kết nối với làng nghề, đưa Phú Xuyên vào trong tour du lịch.  

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, sản phẩm, quy trình sản xuất ở các làng nghề đều rất ấn tượng nhưng chưa được sắp xếp theo trật tự. Do đó, cần xây dựng khu trưng bày sản phẩm để khách hàng dễ tham quan, mua sắm và trải nghiệm vào công đoạn sản xuất. Mặt khác, cảnh quan làng nghề chưa được quan tâm, thiếu hoa và cây xanh, không có biển chỉ dẫn nên không gây được tò mò, ấn tượng với các “thượng đế”.

Bên cạnh đó, ông Đạt cho rằng, cũng cần có một tập thể hoặc tổ chức tập hợp các chuyên gia xây dựng sản phẩm, chuyên gia ẩm thực, những nhà kiến trúc, cùng tham gia để xây dựng mô hình phát triển du lịch ở huyện Phú Xuyên đáp ứng tốt nhu cầu của du khách nhưng vẫn giữ được nét văn hóa, cảnh quan môi trường và hệ sinh thái của các làng nghề.

Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ vui chơi, ăn uống, lưu trú phục vụ du khách. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề và tuyên truyền các giá trị làng nghề, làng cổ nhiều hơn để tạo hiệu ứng hút khách.

Ông Nguyễn Mạnh Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, địa phương này đang ra sức phấn đấu giai đoạn 2025 – 2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Để huyện Phú Xuyên trở thành điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn thu hút du khách các doanh nghiệp lữ hành còn cho rằng, huyện cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, các sản phẩm dịch vụ ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm gắn với đời sống nông thôn, câu chuyện phát triển của làng và nghề may comple, nghề làm da giầy, nghề khảm chai Chuôn Ngọ… 

Đặc biệt là kết nối tour, tuyến với các làng nghề trong huyện Phú Xuyên và các điểm đến du lịch tại các tỉnh lân cận. Muốn vậy, cần có sự tham gia của các nhà quản lý nhà nước, doanh nghiệp đầu tư, ý thức người dân và trách nhiệm của du khách.

Theo ông Trần Trung Hiếu, thế mạnh của Phú Xuyên là du lịch làng nghề, vì thế rất cần các doanh nghiệp lữ hành kết nối với làng nghề, đưa Phú Xuyên vào trong tour du lịch.  

Để du lịch làng nghề nói riêng, du lịch Phú Xuyên nói chung sớm “cất cánh”, ông Nguyễn Mạnh Huy đề nghị Tổng cục Du Lịch, Sở Du lịch Hà Nội quan tâm, các doanh nghiệp lữ hành tổ chức kết nối các tour, tuyến du lịch, đưa khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch, các làng nghề truyền thống của huyện. Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành cùng huyện để thông tin tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tới bạn bè trong nước và quốc tế về mảnh đất, con người, truyền thống lịch sử của huyện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư