Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Hà Nội sẵn sàng cho năm học mới
D.Ngân - 28/08/2023 21:18
 
Để chuẩn bị bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị, trường học chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh tựu trường.

Là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước, năm nay Hà Nội đón trên 2,2 triệu học sinh các cấp trở lại trường học, tăng gần 69.000 học sinh so với năm học trước.

Để chuẩn bị bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị, trường học chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh tựu trường.

Hiện Hà Nội có gần 124.500 giáo viên, tăng hơn 1.500 giáo viên so với năm học trước, với 2.840 trường học, trên 66.000 phòng học, tăng 846 phòng học so với năm học trước.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, vừa qua, TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng. Sở cũng vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất các cấp lãnh đạo xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học khu vực nội thành. Ngoài ra, thành phố cũng đang nỗ lực tạo sự thông thoáng về thủ tục để khích lệ các đơn vị đầu tư mở trường, lớp ngoài công lập.

Hà Nội đang đề xuất các phương án nới diện tích dành cho trường học, trong đó có biện pháp nâng tầng các trường học khu vực nội thành và cho phép sử dụng cả tầng hầm để cải tạo tăng thêm quỹ phòng học cho năm học mới.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố có gần 500 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đã, đang và sẽ được cải tạo, cơi nới để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Từ nay đến năm 2025, Sở cũng đề xuất cải tạo và sửa chữa khoảng 120 trường Trung học phổ thông, xây thêm 16 trường trong đó có 7 trường liên cấp với tổng mức đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho năm học mới, tại các trường học, giáo viên và phụ huynh đã tổng vệ sinh lớp học và khử khuẩn các trang thiết bị cần thiết.

Tại các lớp học, giáo viên chủ nhiệm cùng với học sinh chủ động kiểm tra lại cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; vệ sinh, lau dọn bàn ghế, tủ, cửa sổ, cửa ra vào; trang trí lớp học chuẩn bị năm học mới 2023-2024.

Các phòng chuyên môn và chức năng như: phòng đồ dùng, thư viện, văn phòng, y tế… cũng được các thầy cô giáo vệ sinh sạch sẽ, bố trí trang thiết bị, dụng cụ, đồ dùng khoa học, sạch đẹp.

Những khoản thu đầu năm học mới luôn là vấn đề được quan tâm. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã có chỉ đạo đối với trường học công lập, bảo đảm công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và tuyệt đối không được lạm thu. Các lớp không được lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Sở cũng lưu ý các trường không giao cho giáo viên trực tiếp thu chi tiền. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về các khoản thu sai quy định.

Sở cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu - chi đầu năm học và công bố số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh học sinh kịp thời phản ánh vấn đề liên quan.

Đồng thời, rà soát cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách giáo khoa cho học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các trường học, cơ sở giáo dục cần thông tin rộng rãi đến học sinh và cha, mẹ học sinh về biên chế lớp học, kế hoạch dạy học trong năm học và các chương trình giáo dục của nhà trường;

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho học sinh, cha, mẹ học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường, nhất là đối với học sinh đầu cấp học; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục học sinh.

Hà Nội cũng yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, học sinh cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được Hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận.

Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Đặc biệt, các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn để chuẩn bị đón năm học mới, với các trường có tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô, cần lưu ý các giải pháp đảm bảo an toàn trong việc đưa đón học sinh.

Đối với vấn đề bán trú, Sở yêu cầu các nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố...

Với lễ khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 được tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố vào sáng ngày 5/9/2023.

Sở lưu ý, lễ khai giảng cần được tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.

Đối với cấp học mầm non, tổ chức khai giảng theo hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Thời lượng tổ chức tối đa 60 phút, thời gian bắt đầu đón trẻ và tổ chức do Phòng Giáo dục và Đào tạo thống nhất, chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non để phù hợp với trẻ mầm non.

Sau khai giảng, các trường cần duy trì nền nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng… tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện hát Quốc ca trong không khí trang nghiêm, đúng lời, đúng giai điệu.

Được biết, năm học 2023 - 2024, toàn ngành giáo dục và đào tạo tập trung vào 12 nhiệm vụ chính. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, 12 nhiệm vụ này gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục;

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục;

Tăng cường công tác giáo dục thể chất, bảo đảm an toàn trường học; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

Về chương trình giáo dục mới, năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10,11.

Các lớp còn lại là 5, 9, 12 vẫn tiếp tục dạy học theo chương trình 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp với tiếp cận của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học phí năm học mới được tính thế nào?
Học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học 2023-2024 áp dụng mức trần của năm học trước, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư