Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội tăng cường quảng bá và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch quận Tây Hồ
Thanh Nga - 27/09/2017 07:30
 
Đó là thông tin được đồng chí Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy chiều ngày 26/9.
Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi họp
Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi họp

Theo báo cáo của UBND quận Tây Hồ, với thắng cảnh Hồ Tây là trung tâm có diện tích 527,517 ha mặt nước và 18,9 km đường dạo quanh, là một trong những thắng cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội và được ví như “lá phổi xanh” của Thành phố, cùng nhiều thắng cảnh, các làng nghề nổi tiếng, quận có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch.

Thời gian qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch xung quanh Hồ Tây đã được Thành phố quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao giá trị Hồ Tây và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Tây Hồ lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra mục tiêu tổng quát trong đó có xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch văn hóa của thủ đô, Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã ban hành nhiều chương trình hành động để cụ thể hóa mục tiêu này.

Theo đó, công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư du lịch được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, nhằm phát huy vai trò của người dân với du lịch, tạo động lực phát triển hình ảnh du lịch của quận Tây Hồ gắn với thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

Quận Tây Hồ đã phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, các cơ sở kinh doanh lữ hành trên địa bàn quận và các hãng lữ hành lớn, góp phần tăng cường quảng bá giới thiệu về tiềm năng du lịch, các điểm đến tham quan du lịch trên địa bàn quận. Thông qua đó, các sản phẩm du lịch, các địa điểm du lịch trên địa bàn như lễ hội Đền Đồng Cổ, sen Hồ Tây, làng hoa Tây Tựu, làng nghề giấy Dó, xôi Phú Thượng đã được khác du lịch biết tới nhiều hơn.

Trong công tác quy hoạch, quận đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, tập trung quản lý bảo vệ môi trường đảm bảo cân bằng sinh thái và quy hoạch các địa điểm để xây dựng quầy trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch tâm linh kết hợp với làng nghề truyền thống.

Theo ông Nguyễn Lê Hoàng, nhờ có vị thế đắc địa, trong nhiều năm qua, vùng Hồ Tây đã trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư đến đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn. Hiện trên địa bàn đã có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 33 khách sạn có sao cùng nhiều căn hộ cao cấp, các cơ sở du lịch lữ hành, cơ sở lưu trú và nhiều nhà hàng lớn, nhỏ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch.

Cũng theo đại diện UBND quận Tây Hồ, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của quận Tây Hồ là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án như: Thưởng thức trà sen Quảng An; Phát triển cụm di tích văn hóa đình chùa Võng Thị gắn với phục dựng mô hình làng nghề sản xuất giấy Dó (phường Bưởi); Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực quận Tây Hồ tại phố Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân). Hiện nay, ban quản lý hồ Tây đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện việc đầu tư xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng để đảm bảo đồng bộ và phù hợp với yêu cầu và mục đích của các đề án này.

“Quận sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá giới thiệu về tiềm năng du lịch, điểm đến tham quan du lịch trên địa bàn quận. Đồng thời, đề nghị UBND Thành phố sớm chỉ đạo đơn vị rà soát quy hoạch và tiến tới phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch dịch vụ trên địa bàn quận Tây Hồ làm cơ sở pháp lý quan trọng để quận triển khai thực hiện trong thời gian tới”, ông Hoàng cho biết.

Đánh thức tiềm năng du lịch Hà Nội
Với Dự án Công viên Kim Quy, theo mô hình “Universal Studios”, do Tập đoàn Sun Group đầu tư, cùng sự ra đời của hàng loạt sản phẩm du lịch mới,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư