Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 21 tháng 08 năm 2024,
Hà Nội, TP.HCM có chiến lược, đề án riêng để phát triển công nghiệp văn hóa
Nguyễn Linh - 21/08/2024 14:04
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết công nghiệp văn hóa là vấn đề Đảng ta hết sức quan tâm, đã được ghi vào các văn kiện, các Nghị quyết chuyên đề.

Tham gia chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (21/8), đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ giải pháp để nâng cao chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới đây.

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội). Ảnh: media.quochoi.vn

Hồi âm câu hỏi liên quan đến nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ “khép lại”.

Chính phủ cũng đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ trưởng nhấn mạnh quy định được triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường thuộc phạm vi của Bộ.

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần gìn giữ, lưu truyền.

Băn khoăn với những chính sách và nghị quyết Chính phủ đã đưa ra về ngành công nghiệp văn hoá, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cập rõ hơn về việc Bộ đã triển khai chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa chưa và nếu đã thực hiện thì bao lâu có thể hoàn thành?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã có Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: media.quochoi.vn

Quá trình tổ chức thực hiện chiến lược, để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã có đánh giá lại, từ đó nhận diện 12 loại hình công nghiệp văn hóa, gồm: kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

"Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ chỉ quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại các ngành khác thì các bộ, ngành khác nhau đảm đương công việc. Khi đánh giá lại tổng quát, có thể thấy đóng góp của nền công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao," Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo Bộ trưởng, để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình hiện nay, Bộ đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023, Thủ tướng đã tổ chức Hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc lần đầu tiên nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới. 

Về khuôn khổ pháp lý, sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan; xác định đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sáng tạo; tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.

Các Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị đã cho phép Hà Nội, TP.HCM triển khai, có chiến lược, đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. “Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa, vừa phát huy được sức mạnh mềm, kiến tạo sự phát triển bền vững”, Bộ trưởng khẳng định.

Đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP là thấp
Lâu nay cứ hiểu văn hóa là ngành đi tiêu tiền nhưng trên thế giới hiện nay, văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền và một ngành có giá trị gia tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư