Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hai Bộ trưởng chủ trì hội nghị bàn cách xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc
Thế Hải - 09/09/2019 16:17
 
Hội nghị phát triển xuất khẩu hàng hóa, nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc do 2 Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chủ trì, bàn giải pháp gỡ khó để nông thủy sản thuận đường xuất khẩu sẽ diễn ra cuối tuần này tại Hà Nội.
Nghe bài viết này tại đây :
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 sang Trung Quốc ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ.

Ngày 13/9/2019 tới đây, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ cùng chủ trì Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Quy mô của Hội nghị khoảng 350-400 đại biểu, gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kinh tế quốc hội; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các Sở Công Thương và Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trưởng đại diện Chi nhánh tại Nam Ninh, Quảng Châu, Côn Minh (Trung Quốc).

Các giải pháp được đưa ra tại Hội nghị nhằm khơi thông kênh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng chủ lực, đăc biệt là nông sản trong những tháng còn lại của năm 2019.

Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giá của nhiều mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong các năm 2017 - 2018.

Thống kê của 2 Bộ, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại, cần có giải pháp để chặn đà giảm tốc..

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn…

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu.

Hội nghị phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc nhằm rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.

Giảm 9% giờ làm, mất 2 tỷ USD xuất khẩu?
Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) không đồng ý phương án giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần và lo ngại tác động tiêu cực nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư