Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Hải Dương công nhận 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao
Quỳnh Nga - 30/12/2023 09:32
 
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Quyết định công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Theo Quyết định số 3231/QĐ-UBND, 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 có xã Tân Hồng (huyện Bình Giang), xã An Lâm (huyện Nam Sách) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về Văn hóa; xã Nam Tân (huyện Nam Sách), xã Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng), xã Kim Anh (huyện Kim Thành) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục.

Theo Quyết định số 3230/QĐ-UBND, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 bao gồm 8 xã Nhật Tân, Quang Minh, Thống Kênh, Thống Nhất, Toàn Thắng, Hồng Hưng, Phạm Trấn, Gia Khánh thuộc huyện Gia Lộc ; 3 xã Cẩm Vũ, Cẩm Hưng, Lương Điền thuộc huyện Cẩm Giàng ; 3 xã Nam Trung, Đồng Lạc, An Bình thuộc huyện Nam Sách ; 4 xã Cộng Hoà, Bình Dân, Đại Đức, Tam Kỳ thuộc huyện Kim Thành; 2 xã Hồng Dụ, Văn Hội thuộc huyện Ninh Giang và xã Thúc Kháng thuộc huyện Bình Giang.

Đường nông thôn mới ở thôn Tiên Kiều, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thanh Tân.

UBND tỉnh Hải Dương đề nghị UBND các huyện Gia Lộc, Ninh Giang, Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách và Kim Thành tổ chức công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời đề nghị UBND các huyện, UBND các xã được công nhận có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt được. ​

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu triển khai ở Hải Dương từ năm 2011, thời điểm đó toàn tỉnh mới đạt bình quân 6,7 tiêu chí/xã, từ kết cấu hạ tầng, các mô hình phát triển sản xuất cho đến đời sống nhân dân khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hải Dương có nhiều khởi sắc. Hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh được cải thiện, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn đã hoàn thành xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Hạ tầng nông thôn đồng bộ, đảm bảo môi trường và cảnh quan. Ảnh: Thành Chung.

Hải Dương cũng là tỉnh thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh; đến hết năm 2025 có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt ít nhất từ 76-80 triệu đồng/người/năm.

Dự kiến tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021- 2025 khoảng 27.000 tỷ đồng. Cụ thể: Vốn ngân sách tỉnh, Trung ương (nếu có) bố trí trực tiếp để thực hiện Chương trình khoảng 447,15 tỷ đồng (chiếm 1,66%); Vốn ngân sách địa phương cấp huyện khoảng 900 tỷ đồng (chiếm 3,33%); Vốn địa phương cấp xã (từ ngân sách và nguồn vốn khác) khoảng 1.500 tỷ đồng (chiếm 5,56%); Vốn lồng ghép khoảng 2.000 tỷ đồng (chiếm 7,41%); Vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025) khoảng 20.000 tỷ đồng (chiếm 74,07%); Vốn doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng (chiếm 3,70%); Huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng khoảng 1.072,9 tỷ đồng (chiếm 4,27%).

Hải Dương thông qua 41 nghị quyết với nhiều chính sách về an sinh xã hội
Ngày 8/12, Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc, thông qua số nghị quyết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư