Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Hai mũi đột phá tinh gọn bộ máy và cải cách tiền lương (Bài 5)
Hữu Tuấn - 28/09/2018 09:01
 
Đổi mới, tinh giản bộ máy chính trị và cải cách chế độ tiền lương là tinh thần xuyên suốt trong các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 và Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Hai mũi đột phá này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Bài 5: Thời điểm hành động

Cùng với sáng tạo về tinh gọn bộ máy ở địa phương và bộ, ngành, tiến trình cải cách tiền lương bắt đầu được khởi động. Các mô hình thí điểm đã được kiểm nghiệm và đây là thời điểm chín muồi để toàn hệ thống chính trị hành động với quyết tâm cao…

Ở nơi trả lương 9-10 con số

“Lương thưởng các khoản của em được hơn 700 triệu đồng/năm, đủ làm yên tâm hậu phương và em tập trung công tác”, Đặng Duy, kỹ sư của Tập đoàn Viettel tại Myanmar chia sẻ. Ở Viettel, mức lương 60-80 triệu đồng/tháng cho nhân viên đi thị trường nước ngoài như Duy là “chuyện thường ngày”.  

Thậm chí, chuyện trả lương 10 con số cũng từng diễn ra ở Viettel. Đầu năm 2010, khi triển khai kế hoạch sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý cho Viettel trả lương cho các chuyên gia nước ngoài mức 23.000 USD/tháng, tương ứng gần 6 tỷ đồng/năm, một mức lương vượt khung chưa từng có tiền lệ. 

Còn tại Tập đoàn VNPT, khi ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT kể chuyện “hậu tái cơ cấu” VNPT và cho biết có nhân viên hưởng mức lương cao hơn cả ông, tôi đã không tin. Một thời gian sau, khi làm việc với VNPT Hà Nội, mới biết, đã có nhân viên kinh doanh của VinaPhone Hà Nội bán dịch vụ gói lớn các loại cho một khu công nghiệp và đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, cao hơn gấp 2 lần so với tổng mức thu nhập gần 48 triệu đồng/tháng của ông Long. Tại VinaPhone, năm 2017, thu nhập bình quân của nhân viên là 30 triệu đồng/tháng.

Viettel, VNPT sẽ không thể trở thành doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả nhất với doanh thu lần lượt 252.000 tỷ đồng, 144.000 tỷ đồng, nộp nhiều ngân sách nhất, nếu không thu hút được nhân tài, nhân lực cao cấp để phát triển nhanh, mạnh, bền vững. “Viettel đã dùng người tài, loại người kém. Đây là điều cơ bản nhất để làm được một Viettel hôm nay… Khoán quỹ lương là mấu chốt để Viettel sử dụng người tài, phát triển đột phá”, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nhận xét.

Hình hài mô hình thí điểm tại Viettel, VNPT đã thấp thoáng nằm trong Đề án Cải cách tiền lương. Không chỉ thế, đây còn là bài học kinh nghiệm, một gợi mở hữu ích với khối doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn chủ sở hữu gần 1,5 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 3,05 triệu tỷ đồng. 

Cải cách tiền lương khu vực công và khu vực doanh nghiệp là 2 nội dung quan trọng trong Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

“Phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động”,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 

Theo lộ trình, công cuộc cải cách tiền lương sẽ được tiến hành đầu tiên ở khu vực doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 8,4 triệu lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ được tăng lương, hưởng lương theo đúng năng lực, không bị “cào bằng” tiền lương. Doanh nghiệp cũng sẽ được tự chủ trả lương theo kết quả sản xuất - kinh doanh của họ, không bị “trói chân, bó tay” như trước, trở thành “bảo bối” để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng tính cạnh tranh trên thị trường… 

Nói trúng “tiếng lòng” của công chức, người lao động

Từ ngày 1/4/2018, cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM bắt đầu được tăng thu nhập thêm từ 0,6 đến 1,8 lần so với quy định chung, theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Là công chức trong số 140.251 cán bộ được nhận thêm thu nhập, chị Nguyễn Thanh Huyền, viên chức phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM hồ hởi: “Vậy là tôi được nhận thêm mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, đỡ phải đêm về bán quần áo online kiếm thêm tiền học cho con”.

Tại Hà Nội, đầu tháng 9/2018, Sở Nội vụ đã đề xuất Trung ương cho phép Thành phố thực hiện cơ chế đặc thù, điều chỉnh tăng thu nhập với cán bộ, công chức, viên chức so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ tối đa 1,8 lần.

“Đề xuất này nhằm đảm bảo thu nhập tương xứng với năng suất lao động của cán bộ, công chức, viên chức. Việc tăng thu nhập sẽ tạo động lực cho đội ngũ cán bộ Thành phố đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Điều này cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám…”, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết. 

Còn ở Trung ương, ngay sau khi Nghị quyết 27-NQ/TW được ban hành, ngày 16/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về cải cách chính sách tiền lương. Chương trình hành động của Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phấn đấu đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW về áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, tăng lương cho công chức theo đúng lộ trình…

Đến ngày 13/9/2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 121/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm.

Cũng trong tháng 9/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành lấy kiến về  Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. Dự án này sẽ luật hoá Nghị quyết 27-NQ/TW, trao quyền trả lương cho doanh nghiệp, quy định chính sách tiền lương mới cho cán bộ, công chức, người lao động…

“Theo Đề án Cải cách tiền lương, tôi sẽ thuộc bảng lương chuyên môn nghiệp vụ. Tính tổng cộng, tôi sẽ được hơn 20 triệu đồng/tháng, không còn phải chật vật lo lắng chuyện chi tiêu gia đình để tập trung làm việc”, ông Trần Vinh, công chức Bộ Tư pháp nói.

Chị Hoàng Thị Hiền, cán bộ nghiên cứu cho biết: “Tôi không thích và cũng không có khả năng làm lãnh đạo, mà chỉ thích nghiên cứu, làm việc thì cuộc cải cách tiền lương này thật sự là một tin vui”,

“Nút thắt” trong lòng hàng triệu cán bộ, công chức đã được gỡ bỏ bằng cuộc cải cách tiền lương đang được gấp rút tiến hành những bước đầu tiên. Một luồng sinh khí mới đang thổi vào bộ máy, tạo động lực mới cho cán bộ công chức phấn đấu cống hiến.

Không thể trì hoãn thêm 

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án đổi mới, cải cách trong các lĩnh vực có liên quan khác”.

Có thể thấy, “tinh giản đi trước, cải cách tiền lương tiếp bước theo sau” là chủ trương đúng đắn của Đảng, được thực tiễn kiểm nghiệm trong thời gian qua. Tại Quảng Ninh, 5 năm gần đây, khi tiến hành thí điểm đổi mới hệ thống chính trị, nhất thể hoá, tinh gọn bộ máy, tỉnh đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, luôn thuộc top 5 địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất của cả nước, tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 10%/năm. 

Muốn cải cách tiền lương, một trong những nhiệm vụ tiên quyết, đột phá là sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ)

“Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh phấn đấu giảm 2,5% tổng biên chế so với năm 2017. Đồng thời, triển khai hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp ủy, chính quyền ở cấp huyện đã nhất thể hóa chức danh”, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết.

Làn sóng tinh giản bộ máy đã vươn tới tỉnh Hà Giang, vùng địa đầu của Tổ quốc khi ngày 24/9 vừa qua, tỉnh này đã tổ chức Lễ công bố quyết định thí điểm hợp nhất tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW thành 3 đơn vị mới: Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh, Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khẳng định, đây là một cuộc cách mạng trong công tác tổ chức bộ máy ở địa phương.

Ở bộ, ngành, Bộ Công thương, sau khi thực hiện sáp nhập một số đơn vị, xoá bỏ cấp phòng, đã bước vào “pha 2” đưa bộ máy, cán bộ vào tấn công thành trì các rào cản đang làm khó, làm khổ doanh nghiệp. Bộ Công thương xếp vị trí dẫn đầu trong các bộ, ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh, với 675 trong tổng số 1.216 điều kiện được cắt giảm.

“Bộ Công thương xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là cải cách thể chế. Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ cấu bộ máy, làm mới các nội hàm trong quản lý nhà nước, hướng tới kiến tạo môi trường kinh doanh phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Có thể thấy, mục tiêu “cải cách chính sách tiền lương gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập” tại Nghị quyết số 27-NQ/TW đang trở thành hành động chính trị diễn ra trên diện rộng, từ khắp các địa phương tới các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tạo thành những làn sóng tích cực.

Những sáng kiến chính trị như “ba giảm” (giảm đầu mối, giảm trung gian, giảm biên chế), “song nhất” (nhất thể hóa, hợp nhất), hay nỗ lực cải cách tiền lương hiện được đông đảo người dân quan tâm. Dẫu còn nhiều việc phải làm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, nhưng hai mũi đột phá về tinh giản biên chế và cải cách tiền lương đang góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, cải cách thể chế - là công tác đang được Đảng, Nhà nước coi trọng và quyết tâm thực hiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư