Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hải Phòng tập trung thực hiện các dự án đầu tư công
Tường Hân - 14/05/2023 08:39
 
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của TP. Hải Phòng là trên 22.335 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao trên 13.403 tỷ đồng, địa phương giao thêm trên 8.932 tỷ đồng. Hải Phòng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án với quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi kết thúc năm.

Nhiều chuyển biến tích cực

Ngay sau khi nhận kế hoạch vốn, UBND TP. Hải Phòng đã thực hiện phân bổ chi tiết, tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, đồng thời sát sao kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công để hoàn thành theo đúng kế hoạch. Các sở, ngành, địa phương được giao vốn cũng đã chủ động, tích cực vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công các dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, khoản vốn đầu tư công lớn nhất năm 2023 (khoảng 13.221 tỷ đồng) được phân bổ cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Hải Phòng sẽ dành 1.500 tỷ đồng chi cho tiền sử dụng đất; hơn 3.111 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu và phân cấp cho các quận, huyện; 3.064 tỷ đồng chi xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; 10 tỷ đồng cho công tác quy hoạch; 55,2 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng...

Tính đến hết tháng 4/2023, vốn giao kế hoạch năm 2023 đã giải ngân đạt hơn 4.127 tỷ đồng, bằng 18,63% kế hoạch thành phố giao (22.156,83 tỷ đồng), bằng 30,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (13.403,34 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương đã giải ngân là 116,14 tỷ đồng, đạt 10,4%; vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 4.011 tỷ đồng, đạt 19,07% kế hoạch Thành phố giao. Số liệu cho thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng trong những tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Sự chuyển biến được thể hiện rõ ở các công trình được triển khai. Cụ thể, có 15/21 chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn năm 2023 thực hiện giải ngân. Trong đó, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao gồm huyện Thủy Nguyên đã giải ngân 403,76/594,6 tỷ đồng (67,9%); huyện Cát Hải đạt 81,21/175,88 tỷ đồng (46,17%); Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 661,18/1.454,01 tỷ đồng (45,47%)...

Tổng vốn phân cấp cho các quận, huyện là hơn 3.111 tỷ đồng, đến hết ngày 20/4 đã giải ngân 468,18 tỷ đồng, bằng 15,05% kế hoạch được giao. Trong đó, có 3/15 quận, huyện đã giải ngân cao trên 25%, gồm quận Ngô Quyền (27,82%); huyện Kiến Thụy (29,71%) và huyện Tiên Lãng (37,34%). Có 5/15 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 10% gồm An Lão, Thủy Nguyên, Cát Hải, Đồ Sơn, Hải An. Còn lại 7 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân trung bình (từ 10% đến dưới 25%).

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại các dự án cũng như của toàn thành phố, các quận, huyện được yêu cầu tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch giao cho các dự án. Đồng thời, các chủ đầu tư kịp thời đề xuất cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân nhanh đang cần vốn, đảm bảo đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất khi kết thúc năm.

Tập trung cho dự án trọng điểm

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, việc bố trí vốn đầu tư công được Thành phố thực hiện tập trung, có thứ tự ưu tiên. Trong đó, ưu tiên bố trí khoảng 30% tổng số vốn cân đối để tập trung cho các dự án, công trình trọng điểm năm 2023; quan tâm các dự án có khả năng hoàn thành trong năm nay để bố trí 100% nhu cầu vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và tối đa 80% vốn cho công tác xây lắp.

Đối với các dự án trọng điểm đã khởi công đầu năm nay, Thành phố phân bổ 397 tỷ đồng cho cầu Lại Xuân; 1.065 tỷ đồng cho Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm; 988 tỷ đồng cho Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn Bắc sông Cấm; 670 tỷ đồng cho Dự án Đường Đỗ Mười kéo dài; 404 tỷ đồng cho Dự án Nút giao thông khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước.

Những năm gần đây, Hải Phòng đã triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm về phát triển hạ tầng khu đô thị, giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Đông Bắc bộ. Đến hết năm 2022, Thành phố có hơn 7.600 km đường bộ, 145 cây cầu, nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng như hệ thống đường ô tô cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh và hệ thống cầu nối Hải Phòng với các địa phương.

“Các dự án đều góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Đồng thời sẽ là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước”, ông Tùng khẳng định.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng
Chiều 10/5, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã có cuộc làm việc với Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng về tình hình sản xuất kinh doanh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư