Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng
Thanh Sơn - 10/05/2023 23:03
 
Chiều 10/5, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã có cuộc làm việc với Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Hải Dương, Quảng Ninh và TP. Hải Phòng là 3 trọng điểm về phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Những năm qua, với tinh thần kết nối, thúc đẩy phát triển liên kết vùng theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”, 3 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực và thu được những kết quả tích cực. Bước đầu tạo động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Điểm nhấn đó là về hạ tầng giao thông, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng đã xây dựng, hoàn thành nhiều tuyến cầu, đường mang tính đột phá, trị giá hàng nghìn tỷ đồng, kết nối giao thông, xóa bỏ ngăn cách nhiều vùng huyện, thành phố, thị xã tiếp giáp giữa các địa phương, tạo thuận lợi cho lưu thông, giao thương.

Quang cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với 3 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Ảnh: Thành Chung
Quang cảnh buổi làm việc của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang với 3 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2023 , số vốn giải ngân đến hết tháng 4/2023 của 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương và TP.Hải Phòng là 8.166,696 tỷ đồng, đạt khoảng 23,89%, cao hơn bình quân chung cả nước là 15,65%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương 7.557, 722 tỷ đồng, đạt 23,89% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước là 608,523tỷ đồng, đạt 22,58% kế hoạch. Nguồn vốn nước ngoài (ODA) 451 triệu đồng, đạt 0,04%; trong đó Hải Phòng, Hải Dương chưa thực hiện giải ngân, tỉnh Quảng Ninh giải ngân với tỷ lệ rất thấp (chỉ đạt 0,06%).

Tuy nhiên, nếu xét về tình hình giải ngân của từng địa phương thì chỉ có thành phố Hải Phòng giải ngân là 38,28%, cao hơn bình quân chung cả nước (15,65%). Các địa phương còn lại (tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh ) có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, chỉ đạt khoảng 14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của các địa phương là rất thấp chỉ đạt 0,04%, trong đó thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA.

Phát biểu về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Những tháng đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh để thực hiện hiệu quả các mục tiêu. Quảng Ninh đang tập trung nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất, đảm bảo mục tiêu đến ngày 30/9/2023 đạt tối thiểu 80% và phấn đấu đến ngày 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đầu năm”.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TG
Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TG

Trên cơ sở nhận định những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, ông Huy đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để có những giải pháp hỗ trợ liên quan đến các kiến nghị về công tác PCCC; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về nhu cầu sử dụng điện trong khu công nghiệp (KCN), khuyến khích đầu tư hạ tầng điện tái sinh là năng lượng mặt trời và điện gió để giải quyết một phần áp lực về tiêu thụ điện ở các KCN; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương có phương án đấu nối, đầu tư các trạm TBA theo quy hoạch để cấp điện cho các KCN...

Về phía tỉnh Hải Dương, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, triển khai dự án cụ thể, ảnh hưởng tới phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn nối quốc lộ 18, qua Khu di tích lịch sử, văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc; đầu tư xây dựng, mở rộng cầu Bình; mở rộng quốc lộ 5 và đầu tư các cầu vượt dân sinh trên quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Hải Dương.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Chung
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Chung

“Chính phủ cần phân cấp cho HĐND các cấp quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; bố trí vốn đối với dự án quá hạn. Ban hành nghị quyết cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên đối với một số dự án trong trường hợp cần thiết. Cho phép điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung xây dựng xã; đơn giản hóa các quy định về quy hoạch trong các KCN, cụm công nghiệp. Sớm có hướng dẫn cụ thể về công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán liên quan đến công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn giúp việc trong quá trình lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công...”, ông Hùng cho biết.

Còn về phía TP.Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, Thành phố đã có báo cáo gửi văn phòng Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Hải Phòng; các tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ thúc đẩy phát triển.

Tại hội nghị này, Chủ tichcj UBND TP.Hải Phòng đã có một số kiến nghị và đề xuất với Trung ương, Chính phủ. Đó là đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, đồng nhất, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TG
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TG

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà thầu đã ký hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định nhưng không được điều chỉnh giá khi có sự biến động về giá nguyên vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Hải Phòng thành lập thêm Khu kinh tế ven theo đường cao tốc ven biển nhằm phát huy mạnh mẽ lợi thế riêng của thành phố đóng góp trong phát triển vùng và cả nước. Cuối cùng là ban hành Nghị quyết đặc thù về việc cho phép Hải Phòng được thực hiện thu hồi đất quốc phòng theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các dự án Nhà ga hành khách T2; dự án mở rộng bãi đỗ máy bay, kho hàng hóa ngoại quan tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (như Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 28/7/2022 khi xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất).

Kết luận cuộc làm việc, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự hợp tác, trách nhiệm, kịp thời phát hiện, mạnh dạn có những kiến nghị, đề xuất đối với một số quy định, nhằm bổ sung và hoàn thiện, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược đồng bộ, phù hợp của các địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Đỗ Phương
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Đỗ Phương

Phó thủ tướng nhấn mạnh, các đề xuất, kiến nghị của 3 địa phương đều xuất phát từ quá trình thực tiễn tại cơ sở. Trong quá trình phát triển và triển khai các chỉ đạo, đã phát hiện những tồn tại, bất cập, nhiều quy định chưa đồng bộ, thống nhất trong thể chế, gây khó khăn. Vì thế, các ý kiến đóng góp từ các địa phương sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ cân đối, xem xét.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, thống nhất, có báo cáo chi tiết, cụ thể gửi Chính phủ để làm căn cứ xem xét, điều chỉnh. Trong đó lưu ý, cần có những đề xuất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn.

Chỉ đạo cụ thể, liên quan đến vùng đệm di sản, di tích cấp quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có sự tổng hợp chung để Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế điều chỉnh phù hợp. Để từ đó, từng bước xử lý, giải quyết các chồng chéo, vướng mắc. Quan điểm của Chính phủ là sẽ thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất.

Hải Dương điều chỉnh giảm gần 3.700 tỷ đồng của 21 dự án
Chiều 9/5, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư