Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 05 năm 2025,
Hành trình của khát vọng độc lập và tự chủ
Xuân Lương - 01/09/2014 15:02
 
() Mùa Thu này, nền cộng hòa, dân chủ của Việt Nam chỉ thiếu một năm nữa là tròn 70 tuổi. 69 năm qua là cả một chặng đường vinh quang về khát vọng độc lập, tự do, đổi mới, hội nhập và phát triển.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Xây dựng nền kinh tế ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ
“Đề tài” duy nhất của Nhà báo Hồ Chí Minh
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh
Bản sắc phương Đông trong Tuyên ngôn Độc lập

69 năm trước, cũng độ Thu này, đất nước hừng hực khí thế cách mạng của ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 và hân hoan tột độ khi tại Quảng trường Ba Đình đầy nắng, Bác Hồ long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới rằng, nước Việt Nam đã độc lập.

  Chào mừng 69 năm Quốc khánh 2/9  
  69 năm trước, tại Quảng trường Ba Đình đầy nắng, Bác Hồ long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới rằng, nước Việt Nam đã độc lập  

Ngày ấy, đất nước vừa qua nạn đói khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu đồng bào. Đảng của giai cấp công nhân và người lao động, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã chủ động chớp thời cơ cùng cả nước đứng lên tiến hành cuộc cách mạng công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á, với Cương lĩnh giành chính quyền về tay nhân dân, độc lập và dân chủ, cơm ăn, áo mặc, mọi người đều bình đẳng… Ngày 2/9/1945 - Tổ quốc Việt Nam bước sang trang mới - trang sử vinh quang, chói lọi và bất tử trong Thời đại Hồ Chí Minh.

Nhưng niềm vui không dài, chỉ sau ngày Quốc khánh 15 tháng, cả nước lại bước vào cuộc trường chinh dài 3 thập kỷ.

Nước non hòa bình, đi lên trong đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển. Vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định.

Lịch sử nhân loại giao phó hay là số phận của dân tộc, bởi đất nước ta đã mấy ngàn năm không bao giờ được ngơi nghỉ. Hết bão tố khốc liệt lại đến giặc giã. Rừng vàng, biển bạc của ta luôn bị kẻ khác nhòm ngó định mưu, định kế cướp đoạt. Nhưng mọi kẻ thù đều thất bại trước tinh thần yêu nước nồng nàn, cháy bỏng khát vọng hòa bình, khát vọng độc lập, tự do, cùng sự mưu lược của các thế hệ người Việt Nam vốn ắp đầy nét đẹp thủy chung, khoan dung, hòa hiếu cả với người thua cuộc.

Sự kiện Biển Đông dậy sóng vừa qua là một minh chứng cho sự đoàn kết của cả dân tộc để giữ yên bờ cõi đất nước. Thiêng liêng biết mấy, khi Tổ quốc gọi tên mình tất cả đều có mặt. Với bầu bạn trên thế giới, chúng ta chủ trương chiến lược đối ngoại đa phương, Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước theo đúng “luật chơi quốc tế”. Đó chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Việt Nam kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, hướng tới vẻ đẹp chân, thiện, mỹ, của độc lập dân tộc, hạnh phúc, ấm no.

Hiện là năm thứ 28, đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới. Nhiều thành tựu kinh tế - xã hội trong ngót 3 thập kỷ qua đã và đang tạo ra chân dung mới, vị thế mới của Việt Nam cả trong và ngoài nước. Đó là điều không thể đảo ngược. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước không ít thách thức và cần phải làm nhiều việc để vượt lên.

Phía trước chúng ta có những ngưỡng quan trọng, trong đó, quan trọng nhất là Đại hội lần thứ XII của Đảng; Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Kế hoạch 5 năm sau đó (2016 - 2020). Và chỉ còn thời gian ngắn để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Một bức tranh đẹp của khát vọng độc lập và ấm no, nhưng đó là một núi, một rừng công việc, với những thách thức không nhỏ.

Cách đây gần một tháng, chúng ta đã mở ra bước ngoặt lớn trong công tác lập kế hoạch. Có thể coi đây là bước đột phá để tìm ra con đường mới, đích thực, hứa hẹn, khả thi để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn với độ dài 5 năm. Công việc tái cơ cấu nền kinh tế, tài chính - ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp, giảm rào cản thuế quan, xử lý nợ xây dựng cơ bản, phát triển công nghiệp hỗ trợ… đang cần thúc đẩy một cách có bài bản, căn cơ và khả thi. Trong đó, cần tận dụng lợi thế cạnh tranh đúng luật. Cần tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp bằng các giải pháp cụ thể.

Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Một trong những yếu tố cần của doanh nghiệp hiện nay, bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp về khoa học - công nghệ, tăng năng suất, giảm giá thành…, là phải hết sức thông minh trong việc tận dụng yếu tố con người, bởi chính con người là động lực của sáng tạo vốn không giới hạn, bến bờ.

Mạn phép nhắc lại, đây lời của người xưa và nay nói về nhân tố con người. Bác Hồ kính yêu từng nói: “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân”; Nguyễn Bỉnh Khiêm coi: “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bàn về sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng như sự cạnh tranh của nó, cựu Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pascal Lamy hôm 11/8/2014 phát biểu tại Hà Nội rằng, “Việt Nam không có sự lựa chọn nào ngoài lợi thế con người”.

Như vậy, xưa cũng như nay, yếu tố con người luôn được đề cao, bởi đó là nguồn nhân lực dồi dào, hàm chứa sức mạnh tiềm tàng của nền kinh tế tri thức. Chúng ta không thể quên điều này! Đất nước phát triển, Tổ quốc sẽ trường tồn! Đó không phải là khẩu hiệu, mà là chân lý của phát triển.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư