Thứ Tư, Ngày 07 tháng 05 năm 2025,
Hanoisme tôn vinh 30 năm phát triển, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Hồng Hạnh - 06/05/2025 16:59
 
Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Thông tin chuyên đề và giao ban báo chí tháng 5/2025, do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 6/5.
TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) cho biết, sáng 11/5, tại Khách sạn La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội), Hanoisme sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1995 - 2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Hiệp hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và cả nước.

Ông Mạc Quốc Anh cho hay, trải qua ba thập kỷ hình thành và phát triển, từ một tổ chức với số lượng hội viên khiêm tốn, đến nay Hanoisme đã quy tụ hơn 11.000 doanh nghiệp hội viên, 28 câu lạc bộ tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, 4 CLB tại TP.HCM và 5 văn phòng đại diện tại Mỹ, Nhật, Singapore, Áo và Cộng hòa Séc.

Hiệp hội đã trở thành một kênh kết nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền, là đơn vị tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, chuyển đổi số, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh việc tư vấn chính sách, tổ chức đào tạo, kết nối giao thương và hỗ trợ pháp lý - tài chính, Hanoisme đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Hà Nội vươn ra thị trường quốc tế, từng bước khẳng định thương hiệu Việt trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, sự phát triển mạnh mẽ của Hanoisme cũng phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Từ một thành phần kinh tế thứ yếu trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân nay đã trở thành động lực quan trọng nhất của tăng trưởng, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm và chiếm hơn 82% tổng lao động xã hội.

Những dấu mốc chính trị quan trọng như Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hay gần đây là Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 về xây dựng đội ngũ doanh nhân đã tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Trong dòng chảy ấy, các doanh nghiệp hội viên của Hanoisme là những hạt nhân tiêu biểu cho khát vọng đổi mới, làm giàu cho đất nước.

“Với thông điệp “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, lễ kỷ niệm không chỉ là dịp nhìn lại hành trình ba thập kỷ mà còn khẳng định tinh thần dân tộc trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu. Mỗi doanh nhân hôm nay là một “chiến sĩ” kinh tế, mang trong mình tình yêu nước và khát vọng khẳng định vị thế Việt Nam thông qua sản phẩm, dịch vụ và giá trị vượt trội”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Thủ đô đã xây dựng thương hiệu gắn với giá trị văn hóa truyền thống, từ thời trang mang cảm hứng dân tộc, thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đến ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế. Đây không chỉ là chiến lược kinh doanh mà còn là cách lan tỏa bản sắc, nâng tầm hình ảnh quốc gia.

Một trong những điểm nhấn trong hành trình của Hanoisme là việc cổ vũ doanh nghiệp xã hội và mô hình kinh doanh có trách nhiệm cộng đồng. Những sáng kiến như tái chế rác thải, cung cấp nước sạch, hay chương trình đào tạo nghề miễn phí cho người yếu thế như KOTO đã cho thấy: lợi nhuận và trách nhiệm có thể song hành.

Hanoisme khuyến khích các doanh nghiệp phát triển dựa trên giá trị nhân văn, xem đó là hướng đi chiến lược để xây dựng nền kinh tế bền vững và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Hanoisme tổ chức Giải thưởng Mạc Đĩnh Chi - Thương hiệu số 1, vinh danh 30 thương hiệu tiêu biểu của Thủ đô. Đây là những doanh nghiệp xuất sắc trong hoạt động sản xuất, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội và chuyển đổi số - những yếu tố then chốt giúp nâng tầm vị thế thương hiệu Việt.

Những cái tên như T&T, SHB, May 10, Sunhouse, Misa, Traphaco, Tân Á Đại Thành… không chỉ là niềm tự hào của Hiệp hội mà còn là đại diện cho năng lực cạnh tranh và sự vươn lên của doanh nghiệp Việt trên thị trường khu vực và quốc tế.

Lễ kỷ niệm năm nay tập trung vào 3 chủ đề chiến lược: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Đề cao đạo đức kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng. Chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn xanh: Ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hướng tới tương lai: Định hướng phát triển bền vững, tạo dựng tầm nhìn dài hạn cho Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn mới.

Bên cạnh lễ chính diễn ra sáng 11/5, một tọa đàm với chủ đề “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” được tổ chức chiều 10/5, là dịp để hơn 400 doanh nghiệp, lãnh đạo Trung ương, Thành phố, cùng đại diện hơn 30 Hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà tài trợ cùng ngồi lại, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy liên kết.

Hà Nội đẩy mạnh dân vận trong quy hoạch và thu hồi đất
Hà Nội ban hành kế hoạch đẩy mạnh công tác dân vận trong quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo quyền lợi người dân khi thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư