Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hậu Giang tìm giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp
Tư Bền - 08/07/2019 16:44
 
“Chung tay làm du lịch nông nghiệp” là chủ đề cuộc Hội thảo do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây, với mong muốn tìm ra nguyên nhân và giải pháp thiết thực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nông nghiệp tỉnh nhà.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang là tỉnh thuần nông, cũng chính yếu tố đó, tỉnh rất thuận lợi trong phát triển du lịch nông nghiệp, gắn liền với việc bảo vệ môi trường.

Theo bà Lý, đến nay Hậu Giang đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: bưởi Năm Roi, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc và cá thát lát Hậu Giang. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, từ lâu người dân và doanh nghiệp đã xây dựng không ít điểm tham quan du lịch miệt vườn như: Vùng dâu Thiên Ân (thị xã Ngã Bảy); Homestay Kim Lân – điểm du lịch nông nghiệp trên đường nối dài Vị Thanh – Cần Thơ…

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch lâu nay theo kiểu “chơn quê”, địa phương còn gặp khó khăn. Đó là người dân chưa có nhiều kỹ năng phục vụ khách du lịch; điểm tham quan du lịch còn nhỏ lẻ; sản phẩm du lịch chủ yếu ở dạng thô và sản xuất không ổn định, theo mùa. Đặc biệt, tỉnh chưa có đơn vị kinh doanh lữ hành nên việc kết nối và đưa đón khách còn yếu kém.

Một số sản phẩm đặc trưng Hậu Giang giới thiệu với đại biểu tại Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”.
Một số sản phẩm đặc trưng Hậu Giang giới thiệu với đại biểu tại Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”.

Hiến kế xây dựng ngành du lịch nông thôn, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên HCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ: “Mấu chốt phát triển du lịch nông nghiệp là địa phương cần phải khơi gợi sự đam mê làm du lịch từ người dân. Từ đó, Hậu Giang có thể phát triển liên kết theo kiểu cộng đồng (tức sản phẩm phải mang tính đặc trưng và chia đều cho người dân tham gia du lịch). Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương cùng dân tháo gỡ từng bước khó khăn gặp phải trong thời gian qua thì tôi nghĩ Hậu Giang sẽ có hướng đi mới trong việc phát triển du lịch nông nghiệp”.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, ngành du lịch có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì thế, ông Châu đề nghị các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh nghiêm túc ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Hội thảo và vận dụng vào thực tiễn. Đặc biệt, cần lưu ý một số vấn đề được các nhà chuyên môn đặt ra tại Hội thảo như tạo sự thống nhất và nhận thức của dân trong việc làm du lịch theo kiểu miệt vườn. Đồng thời, tăng cường quảng bá và liên kết với các ngành du lịch ở tỉnh bạn để mở rộng hướng đi và mời gọi doanh nghiệp đến khảo sát các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh,...

“Tôi mong rằng những giá trị trao đổi hôm nay sẽ không dừng lại trong khuôn khổ Hội thảo mà còn phải được nghiên cứu rồi áp dụng vào thực tiễn cụ thể để ngành du lịch Hậu Giang “rộng đường” phát triển và trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách gần xa”, ông Châu kỳ vọng.

Dịp này, UBND tỉnh cũng đã ký kết ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Công ty Du lịch Vòng tròn Việt và Công ty Stiermann Martin Ricefiled Logde – với mong muốn tạo thêm nhiều “hướng mở” phát triển ngành du lịch nông nghiệp địa phương.

Dòng vốn chính sách giảm nghèo bền vững tại Hậu Giang
Nhờ dòng vốn chính sách ưu đãi, Hậu Giang đã đạt được kết quả giảm nghèo bền vững với sắc xanh của ruộng lúa bát ngát, kênh rạch trù phú...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư