Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dòng vốn chính sách giảm nghèo bền vững tại Hậu Giang
Việt Hải - 07/06/2019 14:42
 
Nhờ dòng vốn chính sách ưu đãi, Hậu Giang đã đạt được kết quả giảm nghèo bền vững với sắc xanh của ruộng lúa bát ngát, kênh rạch trù phú và những nụ cười đôn hậu, khoáng đạt của người dân khi cuộc sống ngày càng no ấm.
Tại Điểm giao dịch xã Hỏa Tiến, Tổng giám đốc ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng trao đổi về tình hình vay vốn, sử dụng vốn vay.
Tại Điểm giao dịch xã Hỏa Tiến, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng trao đổi về tình hình vay vốn, sử dụng vốn vay.

Vừa qua, Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội do Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng dẫn đầu đã đến thăm xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), nơi hơn 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông.

Chủ tịch UBND xã Dương Minh Truyền cho biết, trước đây, số hộ nghèo và hộ cận nghèo cao. Một trong những nguyên nhân khiến sản xuất của người dân khó phát triển chính là thiếu vốn. Nhiều hộ dân chủ yếu sống bằng nghề làm thuê hoặc bỏ địa phương đi nơi khác làm thuê, con cái không có điều kiện học hành, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Từ khi có Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hiện toàn xã Hỏa Tiến đã thành lập được 23 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 22 tỷ đồng, 936 hộ đang vay còn dư nợ. Nhìn lại dặm dài hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội trên mảnh đất này, đã có trên 1.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách; góp phần giúp cho trên 108 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 100 lao động... Đây là nền tảng quan trọng để sau 7 năm xây dựng nông thôn mới, xã Hỏa Tiến đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017, sớm hơn 3 năm so với lộ trình.

Khẳng định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách, ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, những năm qua, các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai thực hiện hiệu quả đến người nghèo và các đối tượng chính sách, đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế Hậu Giang phát triển.

Từ 2 chương trình tín dụng chính sách, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, với tổng dư nợ đạt 2.294 tỷ đồng, tăng 2.250,3 tỷ đồng (gấp 51,5 lần) so với thời điểm mới thành lập và quản lý 96.720 hộ vay, chiếm khoảng 48% tổng số hộ dân toàn tỉnh, dư nợ bình quân 23,7 triệu đồng/hộ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được phân bổ kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Trong 17 năm qua, đã có 480.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần giúp cho trên 60.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo (tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân 2 - 3%); tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động. Có hơn 33.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Ngoài ra, nguồn vốn chính sách đã góp phần xây dựng trên 190.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ 8.000 căn nhà cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp, hơn 3.000 căn nhà cho hộ nghèo phòng, tránh lũ lụt; hơn 35.000 lượt hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được được vay vốn...

Chứng kiến 16 dòng vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch trong đời sống đồng bào tỉnh Hậu Giang, ông Dương Quyết Thắng bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dành cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất tỉnh Hậu Giang quan tâm hơn nữa đến nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhằm tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Thắng cũng đề nghị chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể cần đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Vốn chính sách sát cánh cùng thanh niên khởi nghiệp
Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hàng triệu thanh niên có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư