Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu Giang với khát vọng vươn tầm cao mới
Huy Tự - 04/05/2019 10:22
 
Từ xuất phát điểm thấp, sau 15 năm thành lập, Hậu Giang đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội khá toàn diện. Ông Lê Tiến Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ quan điểm, mục tiêu phát triển của Hậu Giang trong xu thế hội nhập.
Nằm trên các trục tuyến giao thông thủy, bộ quan trọng, Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.
Nằm trên các trục tuyến giao thông thủy, bộ quan trọng, Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Thưa ông, sau 15 năm tái lập, Hậu Giang đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội gì nổi bật?

Hậu Giang là vùng đất hội tụ của những tấm lòng. Đến nay, nhìn lại chặng đường 15 năm phát triển đã qua, có thể nói, chính những thuận lợi và khó khăn đan xen đã tạo nên sức bật, đổi thay lớn trong tư duy và hành động, từ các cấp lãnh đạo chính quyền, đến mỗi cán bộ công chức, tạo được sự đồng thuận cao của người dân và doanh nghiệp.

Từ một tỉnh thuần nông nghèo có xuất phát điểm thấp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng với truyền thống “đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động”, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố, cùng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, toàn quân và nhân dân, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, từ phát triển kinh tế đến công tác giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách...

.
Ông Lê Tiến Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Đến nay, Hậu Giang đã trở thành tỉnh có mức phát triển trung bình, là địa phương đi đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng nông thôn mới; xóa trắng xã không có trường mầm non, mẫu giáo; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cùng với đó, tình hình quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc.

Riêng năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh đạt được kết quả khá toàn diện, 19/19 chỉ tiêu chủ yếu trong năm đều đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng ấn tượng, đạt 6,93% - cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay; hoạt động của hệ thống chính quyền có chuyển biến tích cực với tư duy kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Hậu Giang đã tập trung vào những nhiệm vụ đột phá nào để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong xu thế hội nhập phát triển để trở thành động lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Tây sông Hậu?

Hậu Giang có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các trục tuyến giao thông thủy bộ quan trọng của tiểu vùng Tây sông Hậu. Tỉnh có những điểm giao lưu kinh tế lớn với Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và TP. Cần Thơ - đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí đắc địa trên tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp theo hướng hiện đại phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến nông sản, khu cảng vệ tinh và trung chuyển cho cảng Cái Cui, khu dân cư đô thị và khu thương mại tập trung tương ứng với nhịp độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của TP. Cần Thơ cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lợi thế của Hậu Giang còn nằm ở sự đa dạng về tài nguyên đất nông nghiệp, có khả năng hình thành các vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái…, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và tập trung, có khả năng thâm nhập thị trường xuất khẩu. Bên cạnh thế mạnh về phát triển nông nghiệp và thủy sản, Hậu Giang còn sở hữu tiềm năng về tài nguyên du lịch với đặc điểm tự nhiên đặc sắc, như khu sinh thái rừng, kênh rạch, miệt vườn, cây trái...; nhiều di tích lịch sử có ý nghĩa quốc gia và của vùng.

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Hậu Giang đã phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong xu thế hội nhập phát triển và trở thành động lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Tây sông Hậu.

Đạt được những kết quả này là do tỉnh đã chủ động làm tốt công tác đánh giá, dự báo tình hình, chỉ đạo kiên trì, quyết liệt ngay từ đầu năm một cách toàn diện, cụ thể, đổi mới và chuyên sâu. Đặc biệt là, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của chính quyền các cấp; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia của người dân trong tỉnh. Lãnh đạo tỉnh dành nhiều thời gian kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo sát cơ sở, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hạn mặn, công tác đào tạo nghề, hỗ trợ hộ nghèo, xây dựng trường lớp, công tác vận động bảo hiểm y tế toàn dân, cải cách hành chính, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và trở thành tỉnh khá của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020 và những năm tiếp theo, Hậu Giang sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?

Để hoàn thành mục tiêu, Hậu Giang sẽ nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, trong đó, tập trung cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Quan điểm của tỉnh là phát triển kinh tế phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, đặc điểm dân cư, từng bước điều chỉnh, tạo sự phát triển hài hoà, hợp lý giữa các vùng trong tỉnh, thu hẹp dần khoảng cách và mức sống giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả thế mạnh và tiềm năng về nông nghiệp, tạo bước đột phá về công nghiệp phục vụ nông nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ; tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư; phát triển có trọng tâm, trọng điểm vào các khu vực có thể tạo ra sự đột phá và phát triển nhanh như các khu - cụm công nghiệp tập trung, các đô thị trọng điểm, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh tập trung xây dựng văn hóa, con người Hậu Giang “đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động”, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, Hậu Giang sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; chủ động, tích cực tham gia vào liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

Hậu Giang ban hành 4 chương trình hành động

Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Hậu Giang đã ban hành 4 chương trình hành động, bao gồm: Chương trình Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo; Chương trình Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; Chương trình Cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, tỉnh đã xây dựng kịch bản cụ thể về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 2 năm 2019 - 2020 nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm 2016 - 2020.

Khánh thành nhà máy mới tại Hậu Giang, Tân Hiệp Phát hướng mốc doanh số 1 tỷ USD
Ngày mai (14/3), Tập đoàn Tân Hiệp Phát sẽ khánh thành Nhà máy Number One tại Hậu Giang.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư