Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu M&A ngân hàng: Nhân sự cấp cao biến động mạnh
Thùy Vinh - 25/07/2015 08:38
 
Mặc dù đại hội đồng cổ đông thường niên của DongA Bank và Eximbank vừa diễn ra chưa bàn tới vấn đề nhân sự cấp cao, song theo HĐQT của 2 ngân hàng này, để bầu nhân sự cho HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020, họ sẽ sớm tổ chức đại hội bất thường sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn.
TIN LIÊN QUAN

Kinh Đô sẽ ngồi “ghế nóng” DongA Bank?

Với việc góp vốn 1.000 tỷ đồng của Tập đoàn Kinh Đô vào Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), chiếm tỷ lệ chi phối gần 20% vốn điều lệ của nhà băng này sau khi hoàn tất kế hoạch tăng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay, Kinh Đô trở thành cổ đông lớn nhất của DongA Bank.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ có các thành viên mới, thế nhưng, trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 21/7, DongA Bank xin cổ đông hoãn thời gian bầu HĐQT nhiệm kỳ VIII (2015 - 2020) sang kỳ họp đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới.

.

 

Cũng tại đại hội đồng cổ đông thường niên này, người ngồi “ghế nóng” DongA Bank hơn 1 năm qua là ông Cao Sỹ Kiêm đã xin từ nhiệm, rút khỏi Chủ tịch HĐQT.

Hiện các cổ đông chính của DongA Bank gồm: PNJ (7,7%), ông Trần Phương Bình và gia đình: 9,6%, Thành ủy TP.HCM 6,9%, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 là 10%. Như vậy, ghế chủ tịch HĐQT DongA Bank trong kỳ đại hội đồng cổ đông bất thường tới đây sẽ có sự thay đổi và không loại trừ người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT sẽ là cổ đông chi phối.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của DongA Bank, không ít cổ đông tỏ ra bức xúc về việc 2 năm qua, Dong A Bank không chi trả cổ tức. Trong khi, bộ máy HĐQT, Ban điều hành của DongA Bank là những người dày dặn kinh nghiệm, lớn tuổi. Vì thế, theo các cổ đông, DongA Bank cần cải tổ bộ máy HĐQT, Ban Điều hành để có thêm nhân tố mới, nguồn nhân lực trẻ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tại đại hội ngày 21/7, HĐQT DongA Bank đã đưa ra tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc Tập đoàn Kinh Đô sẽ tham gia rót vốn vào ngân hàng. Theo ông Bình, việc tăng vốn sẽ không dừng lại ở con số 1.000 tỷ đồng, mà theo lộ trình tăng lên 10.000 tỷ đồng. Trong đợt đầu, Kinh Đô sẽ góp 1.000 tỷ đồng để nâng vốn ngân hàng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn II sẽ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu để nâng lên 8.000 tỷ đồng và giai đoạn III nâng lên 10.000 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Eximbank sẽ thuộc về ai?

Trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 21/7, Eximbank cũng chưa bàn đến chuyện nhân sự cấp cao và việc bầu HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới được dời lại trong kỳ đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra tới đây sau khi có kết luận thanh tra của NHNN về Eximbank.

Tuy vậy, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, ông sẽ rút khỏi danh sách HĐQT và ghế nóng chủ tịch trong kỳ đại hội bất thường tới đây. Năm nay, HĐQT, Ban Kiểm soát Eximbank cũng chấm dứt nhiệm kỳ cũ để bầu nhiệm kỳ mới và đáng ra phải tiến hành trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên vừa rồi, song do chưa được NHNN chuẩn y nhân sự cấp cao, nên phải đợi đến đại hội đồng cổ đông bất thường tới.

Khả năng nhân sự cấp cao của Eximbank sẽ biến động mạnh trong kỳ đại hội bất thường sắp tới khi cuộc hôn nhân giữa Eximbank và Nam A Bank bắt đầu lộ diện thêm nhân tố mới khi Vietcombank đã dồn toàn bộ phần vốn (8,2%) đang nắm giữ của Eximbank cho Nam A Bank và ủy quyền cho người đại diện là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank.

Ông Vũ cũng là một trong 2 ứng viên tham gia ứng cử thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới (2015 - 2020), với tỷ lệ cổ phần nắm giữ trên 10% cùng với ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Phó tổng giám đốc Nam A Bank, tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Eximbank cũng hơn 10%. Như vậy, đến thời điểm này, tỷ lệ chi phối cổ phần mà 2 nguyên lãnh đạo Nam A Bank nắm giữ tại Eximbank được công bố đã lên đến hơn 20%.

Chủ trương của NHNN trong năm nay là đẩy mạnh xử lý nợ xấu về mục tiêu dưới 3% vào cuối năm và đẩy mạnh tái cấu trúc ngành. Trong đó, M&A được xem là một giải pháp để thúc đẩy quá trình này và từng bước xóa sở hữu chéo, lành mạnh hệ thống. Vì vậy, nhân sự cấp cao sau các thương vụ M&A sắp tới đây cũng sẽ biến động mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư