Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hé lộ phương thức kiếm chác từ khai thác bí mật đời tư của Công ty Việt Hồng
H.Vũ - 25/06/2014 13:45
 
Những ngày qua, sự việc cơ quan chức năng phát hiện 14.140 tài khoản thuê bao di động bị cài đặt phần mềm gián điệp Ptracker của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng gây xôn xao dư luận.
TIN LIÊN QUAN

Việc  kinh doanh bất hợp pháp  phần mềm giám sát trên đã giúp các đối tượng thu lợi  hàng trăm triệu đồng, song  nguy hiểm là thông tin cá nhân của hàng chục nghìn khách hàng sử dụng điện thoại di động đã bị đánh cắp  có thể bị sử dụng vào mục đích xấu.   

   
 

Phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng và nhiều phần mềm gián điệp khác được quảng cáo trên các trang mạng xã hội

 

Phát triển phần mềm gián điệp dựa trên “hộp đen” ô tô

“Bạn không thể kiểm soát được mối quan hệ của người thân trước một xã hội đầy những cạm bẫy? Bạn đã từng thuê thám tử và gặp không ít những phiền hà từ họ: nào là họ đòi hỏi chi phí cao, họ làm lộ những thông tin bạn không muốn, thậm chí họ tống tiền ngược lại với những người thân của bạn…

Bây giờ bạn không phải lo lắng nữa. Với thao tác đơn giản, chi phí thấp, mọi thông tin do bạn kiểm soát, bạn có thể kiểm soát tất cả những gì bạn muốn. Bạn chỉ cần cài đặt phần mềm Ptracker của Việt Hồng là bạn có thể xác định được vị trí con cái, vợ chồng, người thân…. để biết họ đã và đang đi đâu, đang làm gì? điện thoại, nhắn tin với ai? nội dung gì ?... Chỉ cần thông qua chiếc điện thoại di động khi bạn đăng kí với chúng tôi bạn có thể thỏa mãn mọi nhu cầu về thông tin như: người ấy đang ở đâu, người ấy đã gửi và nhận tin nhắn với nội dung gì, đã trò chuyện qua điện thoại với ai….”.

Đây là trích dẫn từ một phần nội dung quảng cáo của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (địa chỉ tầng 4 tòa nhà 110 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) được tung công khai trên mạng Internet trong thời gian qua.  Hoạt động bất hợp pháp của công ty này chỉ bị phát hiện vào ngày 13-5, khi Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh kiểm tra hoạt động của công ty này.

Quá trình thanh, kiểm tra, khai thác dữ liệu máy chủ của công ty Việt Hồng cho thấy từ tháng 6-2013, công ty phát triển, cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động bao gồm 2 gói: Gói dành cho cá nhân (Ptracker) và gói dành cho doanh nghiệp (PtrackerERP). Các phần mềm này chỉ hỗ trợ hệ điều hành Android.

Theo Ban chỉ huy Đội 5, Phòng PC50, qua đấu tranh với các đối tượng cho thấy phần mềm giám sát điện thoại này được một kỹ sư là Trưởng phòng kỹ thuật của công ty Việt Hồng nghiên cứu, phát triển dựa trên phần mềm định vị lộ trình (hộp đen) ô tô, thử nghiệm và đưa vào kinh doanh từ tháng 8-2013 đến nay.

  Hé lộ phương thức làm ăn từ khai thác bí mật đời tư của Công ty Việt Hồng  
     

Khi người dùng có nhu cầu sử dụng phần mềm Ptracker, công ty Việt Hồng sẽ cho cài phần mềm và dùng thử trong vòng 24 tiếng. Người dùng lấy điện thoại cần giám sát tải theo địa chỉ trên trang web của công ty Việt Hồng hoặc soạn tin nhắn cú pháp DV gửi đến đầu số 8189 để lấy đường link tải phần mềm về rồi tự cài đặt, sau đó hệ thống sẽ trả về tên truy cập là 7 số cuối của IMEI điện thoại cần giám sát và mật khẩu mặc định ban đầu là vhc.vn.

Tất cả các dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh xung quanh điện thoại bị giám sát, những thông tin trong điện thoại như hình ảnh, video, lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của điện thoại bị giám sát sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ của công ty Việt Hồng chỉ trong vòng 5-10 phút. Từ đó, người sử dụng phần mềm chỉ cần đăng nhập vào trang web giamsat.vhc.vn của công ty Việt Hồng là có thể xem lại tất cả các thông tin của máy điện thoại bị giám sát.

Đặc biệt, phần mềm Ptracker có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, bật/tắt 3G-GPRS. Ngoài ra, người dùng phần mềm giám sát này có thể dùng điện thoại bất kỳ nhắn tin với các cú pháp để kiểm tra xem phần mềm có đang hoạt động hay không, bật tắt 3G hoặc khởi động lại phần mềm.

Sau 24 giờ nếu người dùng muốn tiếp tục sử dụng phần mềm Ptracker của công ty Việt Hồng thì phải chuyển tiền vào 1 trong 3 tài khoản của Nguyễn Việt Hùng – Phó giám đốc công ty Việt Hồng tại ngân hàng hoặc nạp mã số thẻ cào điện thoại vào Internet-Banking. Tùy theo nhu cầu, người sử dụng phần mềm chuyển tiền theo các gói như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc gói vĩnh viễn với mức “phí” thấp nhất là 400.000 đồng/tháng.

Nguy cơ xâm phạm bí mật thông tin đời tư

Theo Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội, qua khai thác các thông tin trên máy chủ của Công ty Việt Hồng cho thấy người dùng phần mềm giám sát Ptracker đa phần có quan hệ thân thiết như  như vợ - chồng, bố mẹ - con cái hoặc trong nội bộ cùng làm việc… có điều kiện tiếp cận, sử dụng điện thoại của người cần giám sát trong một thời gian ngắn là có thể  cài đặt phần mềm với mục đích quản lý, theo dõi, nắm quyền kiểm soát thông tin trên điện thoại…Để thu hút khách hàng sử dụng phần mềm Ptracker, công ty Việt Hồng đã đăng thông tin quảng cáo sản phẩm trên nhiều trang mạng xã hội và các website của công ty như vhc.vn, olive.vn, viethonggps.vn, viethonggps.com…

Cơ quan công an xác định trong máy chủ của công ty Việt Hồng hiện còn lưu giữ 14.40 tài khoản đã bị cài đặt phần mềm này, trong đó hiện có khoảng 600 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm.

Đại tá Lê Hồng Sơn cho biết, có thể nhiều người sau  khi dùng thử phần mềm giám sát Ptracker đã từ chối không tiếp tục sử dụng phần mềm này nữa. Tuy nhiên do họ đã soạn tin nhắn tải phần mềm này về cài đặt trên điện thoại cần giám sát nên toàn bộ thông tin của điện thoại này đã được lưu giữ tại máy chủ của công ty Việt Hồng nên người dùng điện thoại bị mất quyền kiểm soát điện thoại của mình mà không biết.

Chính vì vậy, không ít người lo lắng rằng những thông tin cá nhân đã bị chiếm quyền kiểm soát trên có nguy cơ bị sử dụng vào mục đích xấu. Do đó, hành vi của Công ty Việt Hồng đã vi phạm các quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, như việc việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân; vi phạm nghiêm trọng quyền bí mật đời tư (quyền bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín);... 

Đáng chú ý cùng  thời gian trên, Đội 5 Phòng PC50 còn phát hiện, bắt quả tang Lê Viết Tám (SN 1973), một “đại lý” kinh doanh phần mềm gián điệp trên điện thoại Mspy có các tính năng giống như phần mềm Ptracker khi đang thực hiện hành vi giao dịch mua bán, cài đặt phần mềm giám sát này cho khách hàng.

Lê Viết Tám khai nhận, đầu năm 2012, do nảy sinh ý định giám sát vợ nên Tám lên mạng tìm kiếm phần mềm có tính năng giám sát. Sau đó, Tám liên hệ với người quản trị trang web Mspy.bis để xin được làm đại lý kinh doanh sản phẩm này trên mạng. Qua kiểm tra tài khoản  admin.mspy.biz của Tám đã xác định có 877 tài khoản người dùng mspy, trong đó có 741 người dùng ở chế độ đang hoạt động. 

Hiện Phòng PC50 Công an Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ việc kinh doanh, sử dụng phần mềm giám sát nêu trên; đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị phát hiện.

Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo, để phòng ngừa việc bị cài đặt phần mềm gián điệp, người dùng điện thoại cần phải thận trọng khi có những nội dung tin nhắn có nội dung không mong muốn, với những tin nhắn mời cài đặt phần mềm mà không rõ ràng… Phần mềm gián điệp có thể núp bóng các trò chơi điện tử hấp dẫn trên mạng để bẫy người sử dụng với mục đích trộm cắp các thông tin cá nhân.

Tự nâng cao ý thức sử dụng điện thoại của mình như kiểm soát phần mềm, cài đặt các phần mềm bảo vệ có uy tín, tránh người lạ tiếp xúc và sử dụng điện thoại cá nhân của mình... Nếu nghi ngờ điện thoại bị cài đặt phần mềm gián điệp thì nên mang điện thoại tới các cửa hàng có uy tín, đại diện các hãng điện thoại để kiểm tra và cài đặt lại. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư