Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hiện tượng Samsung
Hà Nguyễn - 04/07/2014 08:45
 
Samsung thực sự trở thành một “hiện tượng” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, khi nhà đầu tư này vừa nhận Giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng thêm Nhà máy Samsung Display trị giá 1 tỷ USD ở tỉnh Bắc Ninh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bắc Ninh trao chứng nhận đầu tư dự án 1 tỷ USD cho Samsung Display
Samsung đầu tư thêm hàng tỷ USD ở Việt Nam
Phải chăng Samsung chỉ lắp ráp tại Việt Nam?
Samsung Thái Nguyên: 20 ngày xuất khẩu 90 triệu USD
Samsung muốn "lấn sân" sang viễn thông tại Việt Nam

Là hiện tượng không chỉ bởi lượng vốn đầu tư của Samsung vào Việt Nam hiện rất lớn, lên tới trên 6,85 tỷ USD, nếu tính cả Dự án Samsung Display, mà còn vì quá trình triển khai nhanh và hiệu quả, tạo sức lan tỏa khá lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

  Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Samsung Display trị giá 1 tỷ USD  
  Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Samsung Display trị giá 1 tỷ USD  

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay khi Samsung đưa nhà máy sản xuất điện thoại di động, vốn đầu tư 670 triệu USD, đi vào hoạt động vào tháng 4/2009, dư luận đã coi dự án này như là một hình mẫu trong thu hút FDI.

Lý do là, vào thời điểm đó, Samsung là một trong hiếm hoi các đại gia công nghệ nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến, sau “cú hích” Intel.

Dự án của Samsung không chỉ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn tạo kỳ vọng trong thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, đầu tư cho R&D, tạo việc làm, tăng xuất khẩu, thu ngân sách… và cả cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của một tập đoàn hàng đầu thế giới.       

5 năm sau khi Samsung Bắc Ninh đi vào hoạt động, tất cả những kỳ vọng đó đã trở thành hiện thực, thậm chí còn hơn cả kỳ vọng. Ban đầu chỉ là lắp ráp, nhưng từng bước, Samsung đã đầu tư cho các nhà máy sản xuất linh, phụ kiện cho điện thoại di động và thực sự sản xuất ở Việt Nam.

Khởi đầu chỉ là một dự án quy mô không quá lớn, nhưng từng bước, là hai tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, quy mô lớn chưa từng có ở Việt Nam. Và Việt Nam, từ chỉ là “cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” của Samsung, đã trở thành “cứ điểm sản xuất mới”, rồi “cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh” của tập đoàn này.

Những đóng góp của tập đoàn này cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng tăng nhanh cùng với các kế hoạch đầu tư thần tốc của Samsung tại Việt Nam. Từ 245 triệu USD kim ngạch xuất khẩu của năm đầu tiên, Samsung, trong năm 2013, đã đóng góp tới 23,9 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 132 tỷ USD của Việt Nam, đạt giá trị gia tăng khoảng 7,6 tỷ USD. Con số này trong năm nay dự kiến khoảng 30 tỷ USD, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới.

Số lượng nhà đầu tư vệ tinh theo chân Samsung vào Việt Nam cũng tăng mạnh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD, góp phần quan trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử Việt Nam. Trung tâm R&D đang hoạt động ổn định. Số lượng người lao động đã lên tới khoảng 60.000 người. Và đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng không hề nhỏ, với khoảng 1.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2013, năm đầu tiên Samsung phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sau 4 năm được miễn…

Vẫn còn những ý kiến trái chiều liên quan đến những lợi ích mà Việt Nam có được khi thu hút đầu tư của Samsung, nhưng một điều rất rõ ràng, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện lớn nhất, đầu tư nhanh và nghiêm túc, thành công và hiệu quả nhất tại Việt Nam hiện nay. Tác động lan tỏa của các dự án này tới kinh tế - xã hội Việt Nam là điều đã được khẳng định…

Hiện tượng Samsung rõ ràng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, không phải chỉ dưới góc độ những lợi ích mà nhà đầu tư này mang lại cho Việt Nam, mà còn có thể cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm trong thu hút FDI.

Tại sao Samsung lại đổ vốn lớn vào Việt Nam, liệu có phải chỉ vì những ưu đãi đầu tư mà Chính phủ dành cho họ? Đâu là cách tiếp cận tốt nhất và hiệu quả nhất đối với các tập đoàn lớn trên toàn cầu, để họ thực sự tin tưởng và dốc vốn vào Việt Nam? Các địa phương nên học hỏi kinh nghiệm của Bắc Ninh và Thái Nguyên ra sao? Làm sao để các dự án FDI khác cũng thực sự tạo sức lan tỏa lớn đến kinh tế - xã hội như các dự án của Samsung?...

Rất nhiều câu hỏi cần được đặt ra và nếu có câu trả lời thỏa đáng, hiện tượng Samsung được “giải mã”, sẽ giúp ích cho Việt Nam trong thu hút và tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn FDI.  

Samsung và những câu chuyện giờ mới kể

Samsung và những câu chuyện giờ mới kể

Mới chỉ cách nay vài năm, nói đến Samsung, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là những chiếc điện thoại dạng nắp gập nhỏ nhắn, giá rẻ và... rất hay đứt cáp màn hình. Ngay từ khi biết sử dụng điện thoại, đối với tôi Samsung luôn là 1 thương hiệu "hạng hai" dành cho các bà nội trợ, trẻ con và người cao tuổi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư