Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hộ khẩu giấy được dùng đến khi nào?
Nguyễn Lê - 04/09/2020 14:26
 
Chính phủ muốn bỏ hộ khẩu giấy từ ngày 1/7/2021, song vẫn có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đến hết ngày 31/12/2022 mới nên dừng sử dụng.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Chính phủ đề nghị sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, song vẫn có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đến hết ngày 31/12/2022 mới nên dừng sử dụng hai loại sổ trên.

Chiều 4/9, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách họp trực tuyến, cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Liên quan đến chính sách mới tại dự thảo là bỏ sổ hộ khẩu giấy, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị trong Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân.

Qua thảo luận, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến về nội dung này.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Bởi vì, mặc dù việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới là hết sức cấp bách và cần được thực hiện ngay từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2021), nhưng trong giai đoạn đầu, khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thì khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch (ví dụ như đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế, đăng ký sử dụng các dịch vụ điện, nước, viễn thông…) tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong, việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành thì việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp trước đây thay cho việc phải đến cơ quan Công an để xin cấp giấy tờ xác nhận về cư trú như quy định của Luật này khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự tại những nơi chưa thực hiện được việc kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một giải pháp phù hợp và khả thi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan quản lý và người dân.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân. Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Loại ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và không cần có quy định chuyển tiếp, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021.

Các ý kiến này phân tích, phương thức quản lý cư trú là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ; quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử. Đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt ngay từ ngày 01/7/2021.

Do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ thiết kế nội dung này thành 2 phương án tại khoản 3 Điều 39 của dự thảo Luật.

Phương án 1: Có quy định chuyển tiếp, theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong sơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Phương án 2: Giữ như nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Tô Lâm: Không có căn cứ để giữ sổ hộ khẩu đến tận 2025
Trên thế giới không biết còn nước nào giữ sổ hộ khẩu không, ta đưa ra chủ trương bỏ sổ hộ khẩu quá lâu rồi, đã đến lúc phải bỏ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư