Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hồ sơ mời thầu ra đề bài "uẩn khúc", nhà thầu bối rối
Ngọc Tuấn - 10/10/2016 11:38
 
Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương kết luận, hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu số 24 - Cung cấp và lắp đặt máy phát điện thuộc dự án xây dựng Tòa nhà Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương yêu cầu về bảng điều khiển và board mạch do nhà sản xuất tổ máy phát điện thiết kế chế tạo tại chính hãng là trái với quy định tại khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Sau khi đơn vị tư vấn (CTCP Đầu tư kiểm định và xây dựng Sông Hồng) và chủ đầu tư bị nhắc nhở, nhưng vụ việc lại được kết thúc “có hậu”, với việc liên danh nhà thầu trúng thầu giảm giá hơn 108 triệu đồng trên tổng trị giá gói thầu là 2,89 tỷ đồng. Nếu như HSMT không có những những hạt sạn như vậy, có thể tiết kiệm ngân sách chưa dừng lại ở con số khiêm tốn kể trên.

Hiện trạng chất lượng HSMT kém không phải là hiếm. Đơn cử, mới đây, tại 2 gói thầu cung cấp, lắp đặt máy phát điện dự phòng và thang máy cho một dự án xây trụ sở ở tỉnh Quảng Bình do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng (Sở Xây dựng Quảng Bình) làm đơn vị tư vấn, khi lập HSMT đã đưa vào yêu cầu “hàng hóa xuất xứ G7”.

Một ví dụ nữa là HSMT  Thi công xây dựng công trình Đường giao thông vào trung tâm cụm Sóc Cầu (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cũng là điển hình cho sự ngoắt ngoéo khó hiểu. Ông Trần Ngọc Lư, nhà thầu Đại Việt cho biết, đây là gói thầu thi công đường giao thông mà HSMT lại yêu cầu nhân sự chủ chốt chỉ huy trưởng phải có chứng chỉ được đào tạo về… phòng cháy chữa cháy, trong khi quy định tại Nghị định 59/2015/ND9 – CP, chức danh chỉ huy trưởng công trình hạng 2 không quy định như vậy. Ngoài ra,  HSMT gói thầu này còn đòi “xác nhận của cơ quan BHXH cho nhân sự chủ chốt và công nhân lành nghề tối thiểu từ 18 tháng”, trong khi mẫu HSMT theo quy định không có tiêu chí này. HSMT đặt yêu cầu này làm hạn chế sự tham gia của các ứng thầu”, ông Lư nói và nhận xét, bên mời thầu đưa các tiêu chí cá biệt, không đúng luật vào HSMT chắc chắn có “uẩn khúc”!

Hiện tượng chất lượng HSMT chưa chuẩn ngay cả khi đã trải qua khâu thẩm định trước khi được chủ đầu tư phê duyệt và phát hành đã làm nản lòng không ít nhà thầu. Mới đây, HSMT gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị về nội khoa thuộc một dự án bệnh viện trọng điểm tại TP.HCM là một ví dụ điển hình. Trong khoảng thời gian khoảng 1 tháng từ thời điểm phát hành tới thời điểm đóng thầu gói thầu này đã phải gia hạn thời điểm đóng thầu để thực hiện điều chỉnh HSMT 2 lần. Theo tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư được cung cấp, 2 lần điều chỉnh này thuộc loại điều chỉnh “khủng”. Cụ thể, trong lần điều chỉnh thứ nhất, HSMT điều chỉnh tới 32 mục lớn và lần thứ hai là 10 mục, với nội dung điều chỉnh được diễn giải cả chục trang giấy, với hàng trăm tiêu chí kỹ thuật. Việc nhiều nội dung HSMT điều chỉnh trong thời gian ngắn là một lý do tại thời điểm mở thầu lần 1 không có nhà thầu nào nộp hồ sơ dự thầu. Cũng tại dự án này, gói thầu thiết bị chống nhiễm khuẩn cũng đã phải phát hành HSMT lần 2.  

Như Báo Đầu tư từng đề cập, thực tế chưa có một con số thống kê cụ thể nào về chất lượng HSMT, song theo ý kiến của nhiều nhà thầu, tình trạng HSMT “có vấn đề” về chất lượng diễn ra phổ biến. Điều đáng nói là rất nhiều “lỗi” trong đề bài do bên mời thầu đặt ra trong HSMT chưa được phát hiện kịp thời để điều chỉnh dẫn tới vi phạm Luật Đấu thầu. Cũng cần nhắc lại, trong một cuộc kiểm tra đột xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm 2015, hàng loạt lỗi trong các HSMT đã bị điểm mặt. Tuy nhiên, để thực trạng này giảm, vẫn mới chỉ là kỳ vọng của giới nhà thầu.

Lời giải cho việc nâng cao chất lượng HSMT trở nên khó khăn, khi thực tế “còi’ và “bóng” đều trong tay bên mời thầu, nên chất lượng HSMT phụ thuộc vào trách nhiệm và sự công tâm của họ. Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn tới sai sót trong việc lập HSMT là đơn vị tư vấn đấu thầu hoặc không nắm vững chuyên môn, quy định pháp luật, hiểu biết nghề nghiệp không đầy đủ hoặc là dù tư vấn hiểu biết nhưng đạo đức nghề nghiệp kém, chủ yếu mang tính chất môi giới để dàn xếp giữa ý muốn của chủ đầu tư với các nhà thầu “sân sau”.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Lư cho biết, để nâng cao chất lượng HSMT, bên mời thầu không những phải hiểu tường tận pháp luật về đấu thầu, mà phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực chuyên ngành mình tư vấn. “Chế tài xử lý các sai phạm trong đấu thầu lafà đầy đủ. Chúng ta cần tăng cường thanh, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn ở địa phương để xử lý nghiêm minh, thậm chí tước giấy phép đơn vị tư vấn đấu thầu nếu để xảy ra sai sót trong bước lập HSMT nhằm nâng cao tính răn đe”, ông Lư nói.

Còn ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNE thì cho rằng, chưa có giải pháp hữu hiệu để hóa giải bất cập trong các HSMT. Khi gặp những uẩn khúc trong HSMT, nhà thầu chỉ biết kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, phần nhiều kiến nghị được giải quyết qua quýt sẽ khiến khi dự thầu, nhà thầu vẫn phải khổ sở để “hiểu” đề bài trong HSMT.

Điều chỉnh giá tại Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT744 (Bình Dương): Bế tắc vì khác biệt quan điểm
Kỳ vọng sớm tháo gỡ nút thắt nhằm giải quyết vấn đề lùm xùm xung quanh Dự án đường ĐT 744 tỉnh Bình Dương đã không thành hiện thực. Cuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư