Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
Hồ thủy lợi lớn nhất Lâm Đồng bị “xẻ thịt” nhiều năm
Nhiệt Băng - 30/07/2022 08:31
 
Hồ chứa nước P’róh ở huyện Đơn Dương - hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng - bị “xẻ thịt” trái phép suốt thời gian dài. Đáng nói là, địa phương cùng đơn vị quản lý hồ đã “nỗ lực”, nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Hồ chứa nước P’róh bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng không được xử lý đến nơi, đến chốn
Hồ chứa nước P’róh bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng không được xử lý đến nơi, đến chốn.

Cứ “nước lên” là “thuyền lên”

Tình hình vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Dù địa phương cùng đơn vị quản lý hồ đã “nỗ lực” xử lý, UBND tỉnh Lâm Đồng có nhiều văn bản chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng liên tục có văn bản đề nghị xử lý, nhất là báo chí liên tục phản ánh, nhưng tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng.

Trước năm 2021, ông Ya Kha (thôn Pró Ngó, xã Pró, huyện Đơn Dương) lấn chiếm khu vực hạ lưu đập của hồ chứa nước P’róh. Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương (thuộc Trung tâm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương) đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý và bàn giao lại mặt bằng. Nhưng đến tháng 3/2022, ông Ya Kha lại tái lấn chiếm vị trí này.

Năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng còn tồn tại 566 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Năm 2021, qua công tác kiểm tra, rà soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Lâm Đồng phát hiện 83 trường hợp vi phạm (tăng 47 trường hợp so với năm 2020) nâng tổng số vụ vi phạm đến ngày 21/12/2021 lên 649 trường hợp, trong đó đã xử lý dứt điểm được 110 trường hợp vi phạm, còn tồn tại 539 trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, trong hệ thống Tuyền Lâm - Định An - Quảng Hiệp có hệ thống kênh tưới đã được kiên cố hóa, nhưng do trước đây nhân dân hiến đất xây dựng kênh mương, nên không thực hiện thu hồi đất theo quy định. Vì vậy, hiện có 365 hộ dân đã xây dựng hàng rào sát bờ kênh. Căn cứ quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản dưới luật, Quyết định 43/2019/QĐ-UBND ngày 9/10/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thì các trường hợp xây dựng hàng rào sát bờ kênh vi phạm hành lang bảo vệ kênh.

Trung tâm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu hộ ông Ya Kha hoàn trả hiện trạng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, đến ngày 8/7/2022, vị trí bị ông Ya Kha tái lấn chiếm vẫn được chưa xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xác định, trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước P’róh (hạ lưu đập), ông Ya Kha canh tác trồng rau màu và lắp dựng chòi để chứa dụng cụ, phân bón với diện tích lấn chiếm khoảng 6.000 m2.

Trong khi đó, tại khu vực lòng hồ (bờ trái đập cách tràn xả lũ khoảng 200 m), Công ty TNHH Du lịch Próh làm sàn thép hộp lát gỗ và xây dựng hàng rào trụ bê tông, quây lưới B40. Điều kỳ lạ là, công trình nay sau đó được đưa vào kinh doanh, mà không hề bị ngăn chặn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, ngày 13/1/2022, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm đối với công trình này.

Đến ngày 17/1/2022, UBND huyện Đơn Dương có văn bản về việc khẩn trương xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh. Tiếp đó, ngày 24/1/2022, UBND huyện Đơn Dương tổ chức đoàn kiểm tra để xác định hành vi vi phạm.

Ngày 28/1/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị UBND huyện Đơn Dương xử lý dứt điểm hành vi vi phạm. Ngày 10/3/2022 Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản gửi UBND huyện Đơn Dương thực hiện xử lý dứt điểm các vi phạm trên.

Thế nhưng, theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 8/7/2022, hành vi vi phạm trên chưa được xử lý.

Đáng nói là, không những không khắc phục, Công ty TNHH Du lịch Próh còn tiếp tục xây dựng thêm và đã đưa công trình vào kinh doanh, bán cà phê.

Phức tạp nhất là tại vùng thượng lưu hồ chứa nước P’róh. Cụ thể, ngày 12/5/2022, Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương kiểm tra, phát hiện phía thượng lưu hồ chứa nước P’róh gần vị trí mốc HLBV-HCN số 30 có một nhóm thợ đang thi công đắp bao tải cát chặn ngang khe suối (một trong những nguồn cấp nước của hồ P’róh). Khi cán bộ của Trạm đến địa điểm vi phạm để làm việc, thì có một nhóm người ngăn cản.

Ngày 6/6/2022, Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương gửi văn bản đề nghị UBND xã Pró kiểm tra xử lý dứt điểm hành vi vi phạm trong hành lang công trình. Thời điểm gần đây nhất là ngày 8/7/2022, cán bộ của Trạm vẫn chưa thể đến gần khu vực vi phạm, do có một nhóm người ngăn cản. Vì vậy, hành vi vi phạm của các đối tượng vẫn chưa được xử lý.

Cho rằng UBND huyện Đơn Dương đã “tích cực” xử lý nhưng các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước P’róh vẫn “hết sức phức tạp”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND huyện Đơn Dương tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm trong hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh theo quy định tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều; hoặc các quy định khác của pháp luật về trật tự xây dựng.

Cùng với đó, UBND huyện Đơn Dương có trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi; buộc các đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả bằng biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu

“Trong trường hợp các đối tượng vi phạm không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, không tháo dỡ các công trình vi phạm, đề nghị UBND huyện Đơn Dương tổ chức cưỡng chế, buộc tháo dỡ theo quy định tại Điều 28, Điều 86, Điều 87, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 33, Điều 34, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị.

Một nguồn tin cho hay, ngày 12/7/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu UBND huyện Đơn Dương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các hành vi, vi phạm trong hành lang bảo vệ đập, hồ chứa nước P’róh.

“Trường hợp không xử lý dứt điểm các vi phạm này, gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí tiếp tục phản ánh, thì Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước tại địa phương”, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo.

Theo một nguồn tin khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng khẩn trương làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh. Kết quả xử lý báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng trước ngày 28/7/2022 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Được biết, ngày 14/7 vừa qua, Thường trực Huyện ủy Đơn Dương đã yêu cầu Bí thư Đảng ủy xã Pró và Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương tập trung chỉ đạo kiểm tra xử lý dứt điểm các vi phạm hành lang an toàn hồ chứa nước P’róh và kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Có thể thấy, chính quyền đã có chỉ đạo quyết liệt. Dư luận và người dân đang rất mong hồ chứa nước P’róh sớm được trả lại “hình hài”.

Chiếm đất ở lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, hai cá nhân bị phạt 500 triệu đồng
Chiếm đất với diện tích lớn, 2 cá nhân ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) bị xử phạt với số tiền lên đến 500 triệu đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư