Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoạt động doanh nghiệp có nhiều tín hiệu rất tích cực
Mạnh Bôn - 05/07/2024 08:36
 
Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm tiếp tục gia tăng, nhưng theo bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), đây là quy luật khách quan. “Bức tranh hoạt động của doanh nghiệp có nhiều tín hiệu rất tích cực”, bà Nga nhận định.
Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Nhìn vào số lượng doanh nghiệp rút lui và gia nhập thị trường 6 tháng đầu năm, có thể nói hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn khó khăn, thưa bà?

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, thể hiện qua các số liệu vừa được công bố.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3%; tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đây. Nếu giai đoạn 2017-2022, vốn đăng ký bình quân trên 10 tỷ đồng/doanh nghiệp, thì năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động của doanh nghiệp không hiệu quả, chưa tìm thấy cơ hội ở lĩnh vực đang hoạt động; gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tìm phương án kinh doanh mới; gặp khó khăn về tài chính, thiếu vốn và thiếu kinh phí đầu tư.

Ở khía cạnh khác, có thể xem đây là tín hiệu tích cực, bởi việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn do thực hiện cơ cấu lại tổ chức và quản lý, xây dựng lại định hướng hoạt động kinh doanh; tạm ngừng để mở rộng quy mô hoạt động; tạm ngừng để chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự phục vụ việc định hướng phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường được coi là tín hiệu tích cực như bà nói không nhiều, vì thế, việc doanh nghiệp rút khỏi khỏi thị trường gia tăng, về cơ bản, thể hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn?

Khó khăn trong hoạt đông, bên cạnh nguyên nhân từ nội tại doanh nghiệp, còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác. Đó là rủi ro địa chính trị tiềm ẩn những nguy cơ làm trầm trọng thêm sự mất ổn định của môi trường kinh doanh, cản trở đầu tư và làm gia tăng những biến động khó lường về tài chính. Sức ép từ lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng không cao như kỳ vọng, do giá cả tăng cao dẫn đến thu nhập thực tế giảm, kéo theo hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng.

Một nguyên nhân nữa cũng tác động rất lớn đến bức tranh của doanh nghiệp là mức độ gia tăng các hạn chế thương mại ở nhiều nước gây nên sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc điều chỉnh quy định, chính sách của các nước đi kèm với nhiều tiêu chuẩn sản xuất quốc tế ngày càng cao, cho thấy mức độ phân hóa và chọn lọc diễn ra ngày quyết liệt, doanh nghiệp nếu không chủ động thay đổi và thích ứng sẽ không thể tồn tại và phát triển.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất ngày càng gia tăng trong những năm gần đây do Việt Nam vẫn đang tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa, tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến, ảnh hưởng tới sự phục hồi thương mại toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế là đối tác quan hệ hợp tác chiến lược.

Như vậy, có thể thấy, khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu là trong ngắn hạn, phần lớn đều không muốn phải dừng hoàn toàn hoạt động, mà chỉ muốn tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn để tìm kiếm hướng đi mới phù hợp trong thời gian tới.

Liệu bà có quá lạc quan?

Số liệu thống kê đã chứng minh điều này. Trong hơn 110.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm nay, thì phần lớn là tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 64,7%); số giải thể và chờ làm thủ tục giải thể chỉ chiếm 35,3% và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 88,7%).

Một thống kê nữa cũng đã chỉ ra khó khăn chỉ là trước mắt, tạm thời. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tập trung chủ yếu trong tháng 1/2024 (53.900 doanh nghiệp), chiếm 49% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, và xu hướng cải thiện rõ rệt trong các tháng tiếp theo, với số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường bình quân mỗi tháng là 18.400 đơn vị.

Bà có thể phân tích kỹ hơn về những tín hiệu lạc quan?

Phân tích kỹ hơn về tình hình doanh nghiệp trong quý II/2024 và trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm tích cực.

Thứ nhất, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 119.600 đơn vị, mức cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 và cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng đây là quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập/doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm là 108,4%. Đây là tín hiệu rất tích cực khi so sánh với quý I/2024 (chỉ đạt chưa đến 81%).

Thứ hai, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ở ngưỡng trên 50 điểm trong 4/5 tháng đầu năm, thể hiện sản xuất trong nước được mở rộng. Theo báo cáo khảo sát chuyên đề được Tổng cục Thống kê thực hiện trong tháng 6/2024, có 73,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024.

Thứ ba, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 8,5%; chỉ số tiêu thụ tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn chỉ số sản xuất 2,3 điểm phẩm trăm); tỷ lệ tồn kho bình quân 6 tháng đầu năm khoảng 77%, giảm mạnh so với cùng kỳ. Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất có số lượng đơn hàng mới quý II/2024 tăng so với quý trước và dự kiến tiếp tục có xu hướng tăng cao hơn trong quý tới.

Nói chung, tình hình sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng về tổng thể, đang phát triển theo xu hướng tích cực, với điều kiện kinh doanh được cải thiện, sức khỏe của ngành sản xuất phục hồi và trên đà tăng trưởng ổn định.

Sau khảo sát hoạt động của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê có kiến nghị gì để tiếp tục phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới, thưa bà?

Để hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giảm áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, vì có tới 47% số doanh nghiệp được khảo sát mong muốn được giảm lãi suất cho vay vì chi phí thực tế để vay được vốn hiện tại vẫn khá cao. Ngoài ra, trên 29% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn.

Kết quả khảo sát cũng cho biết, có 30,5% doanh nghiệp mong muốn ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.

Đối với chính sách thuế, phí, lệ phí, có 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước cho phù hợp.

Bên cạnh đó, có 28,6% doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính. “Nhu cầu thị trường trong nước thấp” vì vậy, 27,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Kinh doanh khó khăn, 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Kể từ đầu năm tới nay, có 88.000 doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tháng có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư