Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hội họa dịch chuyển thời 4.0
Thanh Nga - 18/02/2018 19:11
 
Làn sóng ra đời các website, gallery online, fanpage bán tranh nghệ thuật…, hay sự sôi động của thị trường hội họa phía Nam đã mang đến gam màu mới cho đời sống hội họa nước nhà, buộc các họa sỹ phải “dịch chuyển” để không… đơn độc.

Sức ấm từ phương Nam

Những ngày giáp Tết Mậu Tuất, họa sỹ Đào Xuân Tình (Tây Hồ, Hà Nội) đang gấp rút hoàn thiện loạt tranh gần chục bức cho một khách hàng chuẩn bị về nhà mới. Với anh, năm 2017 là một năm khá thành công, khi ngay từ đầu năm, anh đã có tranh tham dự phiên đấu giá của Tổ chức Operation Smile tại Việt Nam. Tiếp đó, ngoài một số đơn đặt hàng rải rác trong năm, anh nhận hợp đồng bán tranh với một gallery mới thành lập tại TP.HCM và gần đây nhất là đơn hàng gần chục bức sơn dầu khổ vừa với thu nhập khoảng 300 triệu đồng. 

Với họa sỹ Lê Minh Đức (Long Biên, Hà Nội), 2017 cũng là năm không quá ảm đạm, khi tại một triển lãm ở TP.HCM hồi đầu năm, các tác phẩm của anh đã được bán hết. Là một họa sỹ thuộc thế hệ đầu 8X, anh sớm ghi dấu ấn với tranh phong cảnh. Như nhiều họa sỹ Hà Nội, anh gặp khó khăn với cảnh ảm đạm của thị trường tranh phía Bắc trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, với sự kiên trì và bền bỉ, họa sĩ Đức đang chờ đợi sự bứt phá từ thị trường phía Nam.

Họa sỹ Vũ Công Điền
Cuộc cách mạng 4.0 đã tác động không nhỏ đến đời sống mỹ thuật, cũng như công việc sáng tác của các họa sỹ Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tại xưởng vẽ của họa sỹ Vũ Công Điền (Tây Hồ, Hà Nội), những bức tranh sơn dầu sắp hoàn thiện làm ấm bầu không khí những ngày rét đậm cuối năm. Từng là họa sỹ riêng của Thăng Long gallery, có tranh tham dự triển lãm ở Anh, Nhật Bản, Dubai, Singapore, Hồng Kông…, anh đã tạo nên thương hiệu riêng bằng phong cách siêu thực với thế giới cỏ cây mà giới phê bình mỹ thuật gọi là “giấc mơ phương Đông”.

Họa sĩ Điền chia sẻ, vài năm gần đây, anh hoạt động chủ yếu với Bến Thành gallery (TP.HCM). Số lượng tranh chuyển vào phía Nam cho thấy, thị trường này đang sôi động, tương tự thị trường Hà Nội khoảng chục năm trước.

Theo chị Nguyễn Hồng Nhung, chủ một phòng tranh mới mở tại TP.HCM, đời sống được nâng cao tất yếu kéo theo nhu cầu hưởng thụ các giá trị nghệ thuật. Thay vì treo tranh chép, tranh nhái, chủ đầu tư các dự án, những người có thu nhập tương đối đã xem trọng việc treo các tác phẩm nghệ thuật có bản quyền, vừa có giá trị nghệ thuật, mà ở một khía cạnh nào đó, còn được coi như tài sản, nếu đó là tranh của các họa sỹ nổi tiếng.

“Sự thay đổi về thị hiếu đã góp phần làm thị trường tranh TP.HCM trở nên sôi động hơn và cũng làm ấm thị trường tranh cả nước. Đây cũng là lý do tôi quyết định mở một gallery với sự cộng tác của nhiều họa sỹ trẻ Hà Nội”, chị Nhung chia sẻ.

Hội nhập để không… đơn độc

Họa sỹ Vũ Công Điền thừa nhận, trước đây, mỗi khi muốn gửi ảnh các bức tranh của mình cho đối tác qua email, anh đều phải nhờ vợ giúp đỡ… Nhưng giờ thì khác rồi, anh đã có hòm thư điện tử riêng để chủ động trong công việc. Facebook, Zalo… cũng được sử dụng như một kênh để bán hàng.

Sự thay đổi về thị hiếu đã góp phần làm thị trường tranh TP.HCM trở nên sôi động hơn và cũng làm ấm thị trường tranh cả nước.

Một họa sỹ đề nghị giấu tên cho biết, facebook của anh do vợ lập cho và hồi mới “nhập môn”, anh gần như chấp nhận tất cả những lời mời kết bạn, kể cả người không quen và người nước ngoài. “Một hôm, tôi nhận được một tin nhắn bằng tiếng Anh từ một người trong list bạn bè có quốc tịch Singapore, tôi ‘hoảng hốt’ copy nguyên văn gửi cho vợ. Cô ấy giúp tôi dịch ra tiếng Việt và dịch luôn cả câu trả lời. Sau vài lần trao đổi, khách chọn mua 2 bức tranh, mở đầu cho những giao dịch thành công sau này”, họa sỹ này kể lại.

Cũng họa sỹ trên cho biết, năm 2017, anh có khoảng 7 giao dịch với khách qua facebook. Trong đó, một khách hàng người Anh đang có kế hoạch mở một phòng tranh tại Singapore và dự định mua tranh của anh với số lượng lớn. “Họ có mở phòng tranh và mua tranh của tôi hay không, đó là câu chuyện về sau, nhưng ít nhất những đề nghị như vậy cũng khiến mình phấn chấn”, anh họa sỹ không giấu được niềm vui.

Câu chuyện của họa sỹ Vũ Công Điền, Lê Minh Đức, Đào Xuân Tình… là một phần của đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam. Họ thuộc thế hệ làm nghệ thuật vào giai đoạn đầu của kinh tế thị trường với những bỡ ngỡ về sự chuyển đổi trong quan niệm thẩm mỹ, khuynh hướng sáng tạo, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, cùng sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, khiến họ không thể không dịch chuyển...

Đeo đuổi và thay đổi cùng 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với người dân đơn giản là ứng dụng công nghệ cải thiện đời sống và kiếm tiền dễ hơn từ Internet. Song...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư