Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đeo đuổi và thay đổi cùng 4.0
Anh Hoa - 17/02/2018 09:27
 
Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với người dân đơn giản là ứng dụng công nghệ cải thiện đời sống và kiếm tiền dễ hơn từ Internet. Song điều khiến hàng triệu công nhân quan tâm hơn cả là nguy cơ mất việc, khi các robot đang dần thế chân họ trong các phân xưởng.

1. Bà Nguyễn Thị Huệ là nông dân trồng chuối dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) 20 năm nay. Hàng ngày, bà chăm bẵm vườn chuối, đem chuối lên cầu Long Biên bán trong những buổi chiều nhập nhoạng. Ngoài công việc chính, bà cũng là một cư dân mạng khi sở hữu smartphone Asus Zenphone 2 màn hình 5 inch và một tài khoản facebook do đứa cháu lập cho.

Mỗi ngày, sau khi mọi việc kết thúc, thay vì xem những bộ phim Hàn Quốc một thời say mê, bà Huệ vào facebook đọc các dòng trạng thái hỉ, nộ, ái, ố của các con cháu, họ hàng, làng xóm…, khiến bà đôi khi mỉm cười, cũng có khi rơm rớm nước mắt. Bà thực sự thích lên mạng vì những chuyện như vậy.

Nhờ công nghệ phát triển, GotIt! giúp rất nhiều người kiếm thu nhập bằng kiến thức của chính mình, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách.
Nhờ công nghệ phát triển, GotIt! giúp rất nhiều người kiếm thu nhập bằng kiến thức của chính mình, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách.

Dĩ nhiên, ngoài những thời gian sống ảo, bà Huệ cũng có bạn là những người bán hàng rong, bán ngô, bán nước trà trên cầu Long Biên, hay những công nhân hàng ngày vẫn miệt mài tu sửa cây cầu lịch sử này. Dường như các công nghệ tiên tiến chưa hề chạm đến thế giới của họ, ngoại trừ việc mỗi người đều sở hữu một chiếc điện thoại di động để selfie hay chụp ảnh con cháu mình và chia sẻ trên Facebook.

Họ không hiểu Cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến cho kinh tế thế giới biến chuyển sâu rộng thế nào, nhiều ngành công nghiệp đã có sự thay đổi căn bản với các mô hình kinh doanh mới ra đời, hay công nghệ đã giúp các start-up giành lợi thế trên cả các lĩnh vực công nghiệp truyền thống ra sao.

Họ cũng không biết đến Google Cloud, ô tô không người lái, robot, đồng Bitcoin. Họ chỉ thấy trên đường phố Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều thanh niên, ông già mặc đồng phục màu xanh lá cây có chữ GrabBike, màu xanh tím than của UberMoto. “Họ giống như xe ôm, nhưng coi bảnh bao và ăn nói lịch sự hơn những ông xe ôm hay đậu ngoài ngõ nhà tôi”, bà Huệ nói.

Trong khi đó, Phan Phương Đức, 26 tuổi, một giáo viên dạy toán tại Trường Ngôi sao Hà Nội cũng không hiểu rõ về thứ hay được nhắc đến là cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài việc thấy các thầy cô trong trường đại học ứng dụng công nghệ, màn hình trình chiếu để giảng bài thay vì viết bảng như trước đây. Tuy nhiên, điều chạm vào và góp phần thay đổi cuộc sống của cậu là trở thành gia sư online cho GotIt!  (ứng dụng giáo dục hỏi - đáp trên điện thoại) do Trần Việt Hùng sáng lập tại Silicon Valley (Mỹ) 2 năm qua.

Đối với nhiều người, 4.0 đơn giản là ứng dụng công nghệ cải thiện đời sống và kiếm tiền dễ hơn từ Internet.
Đối với nhiều người, 4.0 đơn giản là ứng dụng công nghệ cải thiện đời sống và kiếm tiền dễ hơn từ Internet.

Đức học chuyên ngành toán tiếng Anh của Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Làm việc trong môi trường như GotIt!, cậu duy trì nền tảng toán tiếng Anh cũng như những kiến thức toán nâng cao. Hiện, Đức vẫn tranh thủ lúc rảnh để làm công việc này và có thêm thu nhập 100 USD/tháng, so với 300 - 500 USD/tháng trước đây.

“Bản chất của GotIt! là gia sư, nhưng lại phát triển lên thành gia sư trực tuyến. Điều đó có được nhờ công nghệ phát triển”, Đức nói.

Theo Trần Việt Hùng, hiện có khoảng 300 chuyên gia của Việt Nam hoạt động rất tích cực cho GotIt! Giống Uber, Grab, GotIt! tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người đăng ký, hàng chục ngàn người hoạt động tích cực mỗi tháng. Và một nửa trong số đó thông báo, GotIt! trở thành nguồn thu nhập chính và duy nhất của họ.

Đó là động lực để GotIt! phát triển thành một nơi cung cấp việc làm rất lớn cho rất nhiều người kiếm thu nhập bằng kiến thức của chính mình, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách.

2. Hẳn là những người lao động như bà Huệ, thậm chí người trẻ như Đức, cần bỏ nhiều công sức hơn để có thể hiểu đầy đủ về tất cả những gì có liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, không quá khó để thấy rằng, xe tự lái sẽ chẳng giúp ích gì cho người Việt Nam, khi mỗi ngày đều đối diện với tắc đường. Liệu những công nhân, thợ mỏ có quan tâm đến lưu trữ dữ liệu điện toán đám mây, kinh tế chia sẻ? Liệu cô thợ may có quan tâm đến đóng góp của 4.0 tới sự phát triển của “thời trang ăn liền” (fast-fashion)? Dĩ nhiên không! Điều họ quan tâm là nguy cơ mất việc.

Những ngày giáp Tết Mậu Tuất, các công nhân ở xung quanh Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) chưa nghĩ nhiều đến Tết này đi đâu, làm gì, mà bàn tán nhiều tới chuyện các cỗ máy tự động, robot sẽ thế chân họ trong tương lai tại các phân xưởng. “Chúng tôi có thể sẽ mất việc làm”, Lê Anh Tùng nói sau khi nhìn 2 đứa con nhỏ đang ngủ trong căn nhà cấp 4 mà vợ chồng anh thuê 1 triệu đồng/tháng.

Tùng và vợ cùng làm công nhân trong Nhà máy Canon Việt Nam. “Chúng tôi sẽ dùng số vốn ít ỏi của mình về quê để buôn bán nhỏ”, Tùng lên kế hoạch cho cuộc mưu sinh của mình, nếu chẳng may bị các chú robot “cướp” việc làm trong tương lai không xa.

Thực tế từ nhiều năm nay, Công ty Canon Việt Nam đã ứng dụng việc tự động hóa máy móc trong sản xuất. Cách  đây khoảng 7 năm, công ty này có chừng 13.000 lao động, thì nay chỉ còn 8.000 lao động. Nhiều công việc trong dây chuyền trước đây do người lao động làm thì nay robot đã đảm nhận.

Đại diện Canon Việt Nam cho rằng, Công ty chỉ nhập các thiết bị không phải là những con robot đắt tiền. Những kỹ sư của Công ty sẽ sử dụng linh kiện và công nghệ cốt lõi lắp thành công cụ sản xuất. Vậy nên, chi phí bỏ ra rẻ hơn rất nhiều so với việc nhập nguyên robot từ nước ngoài.

Không chỉ riêng Canon, nhiều doanh nghiệp cũng cân nhắc đến việc đầu tư các công nhân robot làm việc, đặc biệt là trong nhà máy dệt may và da giày. Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 86% công nhân dệt may có thể bị thay thế bởi các dây chuyền tự động hóa và robot trong các thập kỷ tới.

Tại các quốc gia có lực lượng lao động dồi dào như Việt Nam, hậu quả của việc áp dụng công nghệ vào các nhà máy có thể khiến nhiều lao động tay nghề thấp bị mất việc. Việt Nam trong hành trình ứng dụng và đeo đuổi Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng lao động sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc đua này, bằng những chính sách tạo cơ hội việc làm cho họ.

Với những trường hợp như anh Tùng, về quê là giải pháp cuối cùng. Hiện anh kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi tính sẽ gắn bó với nghề công nhân bằng cách học thêm. Vấn đề là anh đã 40 tuổi, cơ hội học lại, nâng cao tay nghề ở đâu? “Mất việc này thì học việc mới, làm việc khác và chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc. Phải có nơi để được học chứ”, anh Tùng nói.

3. Gần đây, cách mạng 4.0 trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam, theo thống kê của Google Trends. Cụm từ này chỉ xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất với các nhà máy “thông minh”, cùng những hệ thống điều hành ảo trong môi trường Internet, công nghệ điện toán.

Dễ hiểu hơn, với các doanh nghiệp, từ khóa này là nhu cầu của từng khách hàng, là tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời bảo vệ môi trường. Còn đối với người dân, tầng lớp tri thức, thì 4.0 đơn giản là ứng dụng công nghệ cải thiện đời sống và kiếm tiền dễ hơn từ Internet mà mọi người vẫn gọi là nền kinh tế chia sẻ. 

Nói công nghệ làm thay đổi cuộc sống nghe có vẻ to tát, nhưng đúng như cánh lái xe thừa nhận, ứng dụng Uber, Grab ra đời không những làm thay đổi cách thức đi lại, mà còn trở thành “cần câu cơm” của nhiều người dân. Thậm chí, Chính phủ Việt Nam đã có cách tiếp cận cởi mở về vấn đề này, khi cho thử nghiệm ứng dụng.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đã nhận ra giá trị và sẵn sàng thử nghiệm, tìm đối tác đáng tin cậy để bắt đầu cho kinh tế chia sẻ. Điều này chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ có thể hỗ trợ cho cuộc sống của người dân tốt hơn.

GotIt! có đủ việc cho cả ngàn chuyên gia, nhưng để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, còn phụ thuộc vào mỗi người. Trước đây, GotIt! đã từng đặt mục tiêu kiếm khoảng 10 ngàn chuyên gia ở Việt Nam, nhưng chưa thực hiện được. Nhiều người nộp đơn, nhưng số lượng vượt qua các bài thi của GotIt! chỉ khoảng 5%.

“Tôi nghĩ, các bạn thanh niên chưa sẵn sàng. Trong khi các bạn từ các nước khác máu chiến lắm. Họ đáp ứng được yêu cầu chất lượng, ngoại ngữ và còn làm việc rất chăm chỉ”, sáng lập GotIt! nói và kỳ vọng thế hệ trẻ Việt Nam đừng quá mơ mộng.

Làm ăn thời 4.0
4.0 đang là từ khóa của những người kinh doanh, dù họ là doanh nhân tỷ phú đô la, những tên tuổi đã ghi dấu ấn trên thương trường hay những thanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư