Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hôm nay Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn EVFTA
Thế Hải - 20/05/2020 09:58
 
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Việt Nam đang thúc đẩy bàn bạc với EU để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi sớm nhất. Nếu như Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5/2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng.
EVFTA có hiệu lực từ tháng 7 sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU.
EVFTA có hiệu lực từ tháng 7 sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU.

Ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định.

Sau phần trình bày của Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn EVFTA và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Báo cáo về EVFTA sẽ tập trung vào 2 nội dung quan trọng nhất. Thứ nhất là các vấn đề pháp lý cần xử lý để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra trong hiệp định. Thứ hai là những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa Hiệp định vào cuộc sống.

Báo cáo “Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA" của WB công bố ngày 19/5/2020 ước tính, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12%; đồng thời giúp thêm từ 100.000 đến 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030.

Việc quyết định phê chuẩn Hiệp định thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo quy trình của Quốc hội, sẽ có bước là ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn.

Tiếp theo, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm Hiệp định có hiệu lực qua kênh ngoại giao. Theo đó, Hiệp định có hiệu lực ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho hay, hiện nay chúng ta đang thúc đẩy bàn bạc với EU để Hiệp định được thực thi sớm nhất. Nếu như Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5/2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng.

Chia sẻ về những lợi ích mà EVFTA mang lại, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản…

Trong một nghiên cứu mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh đến khía cạnh về xóa đói giảm nghèo cũng như khả năng các hộ gia đình vươn lên đạt mức tầng lớp trung lưu. Theo nghiên cứu này, nếu lấy chuẩn xóa đói giảm nghèo cao của Ngân hàng Thế giới, thì có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA.

Ngoài ra, một Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong vòng 5 năm đầu thực hiện, hiệp định có thể đóng góp vào nền kinh tế tăng thêm khoảng từ 2,18-3,25%, tức là xung quanh 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA trước đây mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định CPTPP mà Quốc hội phê chuẩn trước đây.

Tuy nhiên, để con số đó trở thành hiện thực thì quyết tâm cải cách để thực thi Hiệp định sao cho hiệu quả mang tính chủ động mang ý nghĩa quyết định.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có thay đổi rất nhiều và rất nhanh so với trước đây, càng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cách tiếp cận mới, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh thì mới có thể tận dụng được các cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại.

EU hiện là một trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD; trong khi đó, nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Hiệp định sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Trình Quốc hội sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 9, sáng nay (20/5), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư