Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hợp tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam
Nhã Nam - 02/03/2022 09:23
 
Ngoài 4 thành viên sáng lập ban đầu, đã có thêm 24 đơn vị tham gia vào Sáng kiến Hợp tác công - tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Sáng kiến Hợp tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn trong cả nước

Hội thảo Hợp tác công - tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam vừa được tổ chức.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ sáng kiến Hợp tác công - tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (gọi là Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa) tại Việt Nam.

Hai năm trước, đứng trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng trở thành một thách thức lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp, gồm Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất thực hiện sáng kiến này.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trong suốt 2 năm qua, sáng kiến đã được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành quả tích cực. 

Theo đó, các thành viên của sáng kiến đã hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; truyền thông và và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động từ người dân...

Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ - đổi mới và giải pháp tái chế trong quản lý rác thải nhựa; đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

Các kết quả đạt được là khá tích cực. Chẳng hạn, đến nay, đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa; các hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã , 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội...

Hơn 50 cơ quan bộ ngành cũng tích cực truyền thông và lan toả cho dự án, bằng việc sử dụng 1.700 thùng rác đặc biệt sản xuất từ 30 tấn rác thải nhựa tái chế, có chức năng phân loại rác tại nguồn. Tổng thể, các dự án đạt hơn 12 triệu lượt tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng. 

“Việc thành lập và phát triển nhóm Hợp tác công - tư đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam”, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Cũng theo ông Hùng, đây là một diễn đàn thiết thực giúp Chính Phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các sáng kiến, thảo luận mang tính thực tiễn cao, đồng thời nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn mà khối tư nhân đang gặp phải để hỗ trợ và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.

Có chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho rằng, hợp tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, từ đó hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về ‘0’ vào giữa thế kỷ của Chính phủ tại Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow.

“Chúng tôi mong muốn khối hợp tác sẽ không chỉ dừng lại ở những đơn vị sáng lập, mà sẽ ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia của thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp có cùng tầm nhìn trên toàn quốc để cùng tạo nên sức mạnh tổng hòa công - tư và đạt được những kết quả có sức ảnh hưởng sâu và rộng trên toàn xã hội”, bà Vân nói.

Trong khi đó, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Dow Việt Nam chia sẻ rằng, Dow rất vui mừng khi thấy ngày càng nhiều các bên liên quan cùng chung tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

“Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức liên quan để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường và phát minh các giải pháp khoa học và công nghệ để trực tiếp giải quyết cả vấn đề biến đổi khí hậu và rác thải nhựa”, ông Ekkasit Lakkananithiphan nhấn mạnh.

Còn ông Thanapat Kaweetraiphop - Giám đốc Thương mại - Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn trực thuộc SCG thì khẳng định, để mở rộng khuôn khổ và quy mô hợp tác sang các lĩnh vực khác, cần sự hỗ trợ và hợp tác liên tục từ các cấp chính phủ và các đối tác trong chuỗi quản lý rác thải nhựa để xây dựng kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.

Theo kế hoạch, trong các năm tới, sáng kiến Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa sẽ tập trung vào các mục tiêu như giáo dục thay đổi hành vi, phân loại rác tại nguồn, phát triển công nghệ và sáng kiến trong tái chế, đối thoại và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thông tin đáng mừng là tại Hội thảo, đã có thêm 24 thành viên mới gia nhập, ngoài 4 thành viên sáng lập ban đầu. Điều này hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi bước ngoặt cho tiến trình xây dựng kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam.

[Infographic] Vấn nạn rác thải nhựa với hệ sinh thái biển
Theo WWF, rác thải nhựa là mối nguy đối với hệ sinh thái biển tại nhiều nơi. Đáng quan ngại nhất là rác thải nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư