Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Hốt bạc với camera giám sát an ninh
Tú Ân - 30/07/2020 06:31
 
Cung cấp hàng chục triệu camera giám sát an ninh cho doanh nghiệp, tổ chức, gia đình là một phân khúc mới dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
.
Nhu cầu sử dụng camera an ninh cho xã hội số, chính phủ số là vô cùng lớn.

Phân khúc mới đầy triển vọng

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên số với xu hướng kiến tạo chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Cùng xu thế đó, thiết bị giám sát an ninh cũng “nước lên thuyền lên”. Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện đã có 84 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, trong đó có 4 tập đoàn nhà nước, 54 công ty cổ phần và 26 công ty trách nhiệm hữu hạn.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, việc phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đạt 774,5 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% cuối năm 2019, lên 50,8% vào tháng 6/2020.

Theo báo cáo của 6Wresearch, Việt Nam được đánh giá xếp hạng Top 1 thị trường hệ thống giám sát an ninh có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, dự kiến CAGR (tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm) đạt 12,4% trong giai đoạn 2016 - 2022. Còn theo dự báo của Research and Markets, doanh thu của thị trường thiết bị an ninh trên toàn cầu trong 3 năm tới có thể đạt tới con số 82 tỷ USD. Riêng với Việt Nam, đơn vị này cho rằng, sức tăng trưởng trong vài năm tới sẽ ở mức hai con số khi mà nhu cầu tiêu thụ luôn tăng cao ở nhiều lĩnh vực.

Nhu cầu về giải pháp kiểm soát truy cập, bảo mật an ninh và giám sát hiệu quả tại hệ thống các tòa nhà, văn phòng, nhà máy ngày càng tăng. Ngành bán lẻ cũng hứa hẹn sự bùng nổ về nhu cầu hệ thống an ninh, nhất là hệ thống giám sát lắp đặt tại trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, nhu cầu sử dụng camera an ninh cho xã hội số, chính phủ số là vô cùng lớn. Chỉ riêng lĩnh vực phát triển đô thị thông minh đã cần tới hàng trăm ngàn chiếc camera. Đơn cử, thời gian tới, TP.HCM sẽ lắp đặt tới 10.000 camera.

“VNPT đã nghiên cứu và hoàn thiện giải pháp camera giám sát bảo mật. Việc sản xuất sẽ rất nhanh chóng và giá thành sẽ rất hợp lý. Vấn đề chỉ là nhu cầu của thị trường”, ông Liêm cho biết.

Còn Bkav cũng chính thức gia nhập ngành công nghiệp sản xuất camera và ra mắt thương hiệu camera giám sát an ninh AI View vào tháng 6/2020.

“Chúng tôi tin, với sản phẩm có chất lượng vượt trội và mức giá cạnh tranh, Bkav sẽ sớm có được thị trường và hướng tới vị trí Top 5 nhà sản xuất camera hàng đầu thế giới”, ông Tommy Le, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh tại thị trường Mỹ của Bkav cho biết.

Được biết, giá camera rao trên mạng từ 2,2 triệu đồng/bộ 1 camera (nhãn hiệu Hikvision), đến 18 triệu đồng/bộ 8 camera (nhãn hiệu Huviron), và nhiều loại khác với các mức giá đa dạng. Đây là thị trường mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà sản xuất camera.

Nỗi lo lộ lọt thông tin từ camera không rõ nguồn gốc

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt đang chuẩn bị sản xuất camera đáp ứng nhu cầu của 22 triệu gia đình, hàng triệu doanh nghiệp, tổ chức và xe ô tô trên 9 chỗ, thì vấn đề lộ lọt thông tin từ camera nhập ngoại không rõ nguồn gốc đang dấy lên sự lo ngại lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn, hiện trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều sản phẩm camera gia đình giá rẻ không rõ xuất xứ. Các sản phẩm này tồn tại những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, hacker có thể dùng những phần mềm thông dụng để dò tìm mật khẩu hoặc bẻ khoá. Vậy nên, với khả năng bảo mật yếu, camera giá rẻ không rõ xuất xứ là nguy cơ lớn về bảo mật hình ảnh.

Theo khảo sát hiện trạng an ninh các camera IP của Bkav, người sử dụng camera IP ở Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bị truy cập trái phép từ Internet. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 76% camera IP tại Việt Nam hiện vẫn dùng tài khoản và mật khẩu mặc định của nhà sản xuất, người mua thiếu hiểu biết nên không đặt lại mật khẩu.

“Một trong những nguyên nhân là camera hoặc phần mềm quản lý tồn tại lỗ hổng cho phép kẻ tấn công có thể dò quét và thâm nhập từ xa qua mạng. Vì vậy, ngoài câu chuyện mật khẩu, người dùng nên hạn chế chia sẻ kết nối WiFi gia đình, thường xuyên cập nhật bản vá bảo mật của các thiết bị mạng. Khi không sử dụng thiết bị cá nhân, nên xóa toàn bộ dữ liệu trên thiết bị về trạng thái ban đầu (factory reset). Người dùng cũng nên cài đặt thường trực phần mềm an ninh trên thiết bị và không cài đặt app từ các kho ứng dụng không chính thống”, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Bkav cho biết.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena cũng khuyến cáo, nhiều vụ hack camera là do tin tặc thực hiện khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lắp đặt camera. Bởi vậy, phải lựa chọn các hãng sản xuất camera uy tín, đảm bảo quy trình, quy định, chứng chỉ bảo mật cần thông qua tư vấn từ các chuyên gia bảo mật. Sau khi lắp đặt xong, phải yêu cầu kỹ thuật viên chuyển giao toàn bộ mật khẩu, quyền quản trị.

“Hiện thị phần trên thị trường thiết bị an ninh đang nằm trong tay các nhà sản xuất, phân phối của nước ngoài và rất nhiều sản phẩm trôi nổi, nhập lậu. Những vụ việc lộ lọt thông tin camera từ sản phẩm trôi nổi sẽ cảnh tỉnh người dùng và là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất Việt Nam”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.

Việt Nam được đánh giá là một thị trường cạnh tranh, nhiều năm qua nằm trong Top những quốc gia đóng góp doanh thu sử dụng hệ thống camera giám sát lớn nhất tại Đông Nam Á. Hiện lĩnh vực sản xuất thiết bị an ninh đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng như VNPT, Viettel, Bkav, VP9...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư