Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hưng Yên tập trung đầu tư phát triển khu công nghiệp
Quỳnh Nga - 30/07/2023 08:11
 
Hưng Yên dự kiến đến năm 2030 quy hoạch phát triển 30 khu công nghiệp với tổng diện tích 9.540 ha và năm 2050 là 35 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.000 ha.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Yên Mỹ - chủ đầu tư Khu công nghiệp số 5 tỉnh Hưng Yên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư và lễ ra mắt Khu công nghệ cao Đài Loan. Ông Trần Hồng Khâm, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác ICT (Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài) chia sẻ, việc thành lập Khu công nghệ cao Đài Loan, với mô hình “khuôn viên trong khuôn viên”, nhằm thu hút các chuỗi ngành sản xuất và cung ứng tập trung.

Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Về hạ tầng giao thông, năm 2022 - 2023, tỉnh đã triển khai đầu tư nhiều tuyến đường huyết mạch như: Vành đai IV qua địa phận tỉnh với chiều dài 19,3 km; đường bộ nối Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); đường kết nối di sản; đường Tân Phúc - Võng Phan; đường trục ngang kết nối Quốc lộ 39 với ĐT.376…

Theo chiến lược phát triển, từ nay đến năm 2050, Hưng Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cao tốc với quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh, kết nối liên vùng để mở ra các không gian động lực mới để thu hút các khu công nghiệp, khu đô thị văn minh, hiện đại trên địa bàn. Việc đầu tư hạ giao thông bài bản, cộng với quỹ đất lớn kéo theo việc đầu tư các khu công nghiệp quy mô lớn sẽ tạo cơ hội để tỉnh thu hút đầu tư tốt hơn.

Hiện Hưng Yên có 17 khu công nghiệp, trong đó 9 khu công nghiệp phát triển theo trục Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với diện tích khoảng 4.395 ha (gồm 11 khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang hoạt động, với 437 dự án có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD). Doanh thu từ các dự án trong khu công nghiệp năm 2022 ước đạt 5,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD, thu ngân sách nội địa khoảng 2.700 tỷ đồng.

Các dự án tại khu công nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực như linh kiện thiết bị điện, điện tử, tin học, điện thoại di động; sản xuất các sản phẩm từ thép, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, gia công kim loại; linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy... Trong đó, nhiều dự án đang hoạt động có hiệu quả như các dự án của Công ty TNHH Toto Việt Nam (403 triệu USD), Công ty TNHH Kyocera Việt Nam (379 triệu USD), Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam (300 triệu USD), Công ty TNHH Hoya Glassdisk (214 triệu USD), Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (128 triệu USD)...

Theo báo cáo của Sở Công thương, Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của Hưng Yên tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 7,8%. Đến năm 2030, tỉnh dự kiến quy hoạch phát triển 30 khu công nghiệp với diện tích 9.540 ha và năm 2050 là 35 khu công nghiệp với diện tích 12.000 ha, đảm bảo mặt bằng cho việc tiếp nhận các dự án đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, chỉ tiêu đất khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2025 là 3.849 ha, nhưng tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2025 là 4.395,43 ha, vượt 546,43 ha nhưng chưa được phân bổ trong chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, nên chưa thể triển khai thực hiện. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét phân bổ chỉ tiêu kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp cho tỉnh.

Thời gian tới, để tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ dọc các tuyến hành lang kinh tế, tuyến cao tốc kết nối vùng, Hưng Yên sẽ thực hiện các giải pháp chủ yếu về phát triển hạ tầng. Tỉnh sẽ phát triển trọng tâm vào công nghiệp, công nghệ cao dọc tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, định hướng trở thành khu vực phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin hàng đầu của Hưng Yên và Đồng bằng sông Hồng.

Khu vực dọc tuyến đường đoạn qua tỉnh Hưng Yên như Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vành đai 4, Vành đai 3,5 tập trung phát triển khu đô thị lớn; nhà ở xã hội, đáp ứng về nhà ở và an sinh xã hội cho chuyên gia, công nhân và người dân.

Đồng thời, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.

Hưng Yên dành hơn 9.200 tỷ đồng xây dựng tuyến đường kết nối di sản dọc sông Hồng
HĐND tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 368/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư