Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hưng Yên xây đường băng cất cánh cho khu công nghiệp
Quỳnh Nga - 27/08/2023 17:39
 
Với một hạ tầng đồng bộ, liên thông trong kết nối vùng, nội tỉnh, tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư, Hưng Yên đang tạo nên một đường băng cho các khu công nghiệp cất cánh.
Hạ tầng giao thông được đầu tư quy mô đã trở thành bệ đỡ cho các KCN mới phát triển  	Ảnh: Quỳnh Nga
Hạ tầng giao thông được đầu tư quy mô đã trở thành bệ đỡ cho các KCN mới phát triển Ảnh: Quỳnh Nga

Hạ tầng giao thông “bệ đỡ” cho khu công nghiệp

Từ thành công của Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 28 km), trong năm 2022 - 2023, Hưng Yên tập trung triển khai đầu tư thêm nhiều tuyến huyết mạch nội tỉnh như Đường Vành đai IV qua địa phận Hưng Yên; Tuyến nối Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); Đường kết nối di sản; đường Tân Phúc - Võng Phan; Đường trục ngang kết nối Quốc lộ 39 (Km22+550) với tỉnh lộ (ĐT) 376…

Mới đây, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua Hưng Yên có tổng chiều dài 19,3 km đã chính thức được khởi công, trong đó, đi qua huyện Văn Giang  là 8,4 km, Khoái Châu (1,5 km), Yên Mỹ (2,6 km), Văn Lâm (6,8 km), với tổng vốn đầu tư là hơn 5.200 tỷ đồng. Với việc tập trung khá nhiều khu công nghiệp (KCN) như Phố Nối A, Dệt May Phố Nối, Thăng Long II, Yên Mỹ… có thể thấy, dự án này vừa có vai trò quan trọng trong giảm tải giao thông, vừa tăng tính kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Từ nay đến năm 2050, Hưng Yên tiếp tục tập đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh kết nối liên vùng để mở ra các không gian động lực mới nhằm thu hút các khu công nghiệp, khu đô thị văn minh hiện đại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên

Theo Kế hoạch Phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hưng Yên, huyện Văn Giang được xác định là trung tâm kinh tế - xã hội phía Tây Bắc tỉnh, phát triển theo hướng đô thị - công nghiệp - thương mại - dịch vụ nhà ở. Kế hoạch đến năm 2030, Văn Giang trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh Hưng Yên, là đô thị đa ngành, đa lĩnh vực và đầu mối giao thông của Vùng Thủ đô. Chính vì vậy, Dự án Vành đai 4 đi qua huyện sẽ thúc đẩy sự sôi động của thị trường bất động sản trên địa bàn Hưng Yên.

Trên Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa bàn tỉnh Hưng Yên đang có hàng loạt KCN được khởi công, xây dựng hạ tầng. Có thể kể đến KCN số 5 thuộc KCN và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, với diện tích hơn 192 ha, tổng mức đầu tư là 2.385 tỷ đồng, có vị trí tiếp giáp với đường nối hai đường cao tốc, Quốc lộ 38 và tuyến đường huyện ĐH62 trên địa bàn huyện Ân Thi và huyện Kim Động. “KCN số 5 đang hoàn thiện cơ bản hạ tầng sau khởi công vào giữa tháng 3/2023 và đã sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp”, ông Nguyễn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KCN Yên Mỹ cho biết.

Với Dự án KCN Sạch tại địa phận 2 huyện Khoái Châu và Ân Thi có tổng vốn đầu tư khoảng 77 triệu USD, diện tích đất thực hiện là 143,08 ha, thông tin từ Ban Quản lý Các KCN tỉnh Hưng Yên cho biết, KCN đã tiếp nhận 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 40 triệu USD. 

Dọc tuyến đường nối 2 cao tốc qua địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng đang xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân có tổng diện tích đất là 75 ha. Dự án này cũng đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng để đón các nhà đầu tư vào hoạt động.

Hiện nay, Hưng Yên có 17 KCN, trong đó có 9 KCN phát triển theo trục giao thông Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích trên 4.395 ha. Trong đó, 11 KCN đang hoạt động thu hút khoảng 9 tỷ USD vốn đầu tư từ 437 dự án (249 dự án FDI, 188 dự án trong nước), tạo việc làm cho 78.300 lao động. Doanh thu từ các dự án trong KCN năm 2022 ước đạt 5,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu trên 3,1 tỷ USD, thu ngân sách nội địa khoảng 2.700 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, thời gian tới, để tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, khu đô thị dịch vụ dọc các tuyến hành lang kinh tế, tuyến cao tốc kết nối vùng, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung vào những giải pháp chủ yếu về phát triển hạ tầng. Tỉnh sẽ phát triển trọng tâm vào công nghiệp, công nghệ cao dọc tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Định hướng trở thành một khu vực phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh Hưng Yên và vùng Đồng bằng sông Hồng.

“Từ nay đến năm 2050, Hưng Yên tiếp tục tập đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh kết nối liên vùng để mở ra các không gian động lực mới nhằm thu hút các khu công nghiệp, khu đô thị văn minh hiện đại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”, ông Trần Quốc Văn nhấn mạnh.

Việc đầu tư hạ tầng giao thông bài bản, cộng với quỹ đất lớn trở thành lợi thế rất lớn của Hưng Yên trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Song song với phát triển hạ tầng giao thông, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh phát triển thêm các KCN theo hướng ưu tiên dự án đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh tiếp tục định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển KCN theo chiều sâu, nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.

Theo phân tích của tỉnh, cho tới nay, các dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào một số lĩnh vực như linh kiện, thiết bị điện, điện tử, tin học, điện thoại di động; sản xuất sản phẩm từ thép, nhôm và các sản phẩm từ nhôm, gia công kim loại; linh kiện phụ tùng ô tô xe máy... vẫn đang phát huy tính dẫn dắt tốt. Trong đó, nhiều dự án đang hoạt động có hiệu quả như các dự án của Công ty TNHH Toto Việt Nam (vốn đầu tư 403 triệu USD), Công ty TNHH Kyocera Việt Nam (379 triệu USD); Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam (300 triệu USD), Công ty TNHH Hoya Glassdisk (214 triệu USD), Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (128 triệu USD)...

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của nhà đầu tư cùng chính quyền tỉnh cũng đã tạo nên sự chủ động tích cực. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư KCN Yên Mỹ đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài tổ chức lễ ra mắt Khu công nghệ cao Đài Loan với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp điện tử và các ngành công nghệ kỹ thuật cao Đài Loan tại KCN số 5.

Ông Trần Hồng Khâm, Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác ICT của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài cho biết, việc thành lập Khu công nghệ cao Đài Loan nằm trong KCN số 5 tại Hưng Yên nhằm thu hút các chuỗi ngành sản xuất và cung ứng. Với mô hình “khuôn viên trong khuôn viên”, tập trung chuỗi ngành sản xuất và cung ứng công nghệ cao tập trung trong KCN này. Các doanh nghiệp Đài Loan đánh giá cao về lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ điện tử đầu tư sản xuất tại đây.

Tập đoàn Sumitomo Corporation cũng đang thực hiện việc mở rộng KCN Thăng Long II (giai đoạn III) và cũng đã có kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn IV, bởi tính đến hết tháng 7/2023, tại KCN này, tỷ lệ lấp đầy đã lên đến 70 %, với 106 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.342 triệu USD. Được biết, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong KCN chủ yếu đến từ Nhật Bản, trong đó những tên tuổi lớn như Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic…

Sau một thời gian khảo sát, Tập đoàn COT (Singapore) đã chọn KCN Thăng Long là địa điểm đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu, Tập đoàn COT sẽ thuê 6,6 ha đất tại KCN Thăng Long II để đầu tư xây dựng dự án. Nhà đầu tư này tiết lộ, theo chiến lược phát triển, trong 5 - 8 năm tới, Tập đoàn COT sẽ mở rộng quy mô đầu tư với nhu cầu sử dụng đất khoảng 20 ha và sẽ đầu tư khoảng 500 - 800 triệu USD để phục vụ hoạt động sản xuất.

Có thể nói, việc các tập đoàn có thương hiệu trên thế giới tiếp tục tăng vốn và mở rộng đầu tư vào Hưng Yên cho thấy sức hút ngày càng tăng của địa phương này. Kết quả thu hút đầu tư đang mở ra những cơ hội mới, góp phần đưa Hưng Yên sớm đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển, có nền công nghiệp hiện đại.

“Hưng Yên sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp quy mô lớn, công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có vai trò chủ đạo, dẫn dắt các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu, các dự án đầu tư công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, tạo sức hấp dẫn nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định.

Hưng Yên đặt mục tiêu vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế Tốt
UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND nhằm nâng vị trí xếp hạng PCI của Tỉnh trong Top dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư