Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
IEA: Dự báo lượng khí thải toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2025
T.T - 27/10/2022 20:46
 
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo lượng khí thải toàn cầu có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, trong bối cảnh giá năng lượng tăng do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đang thúc đẩy các quốc gia đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Khói bốc lên từ một nhà máy xử lý rác thải ở Paris, Pháp ngày 18/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Khói bốc lên từ một nhà máy xử lý rác thải ở Paris, Pháp ngày 18/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm ngoái, IEA cho rằng "chưa thấy rõ" khả năng lượng phát thải toàn cầu đạt mức đỉnh. Tuy nhiên, các khoản đầu tư mới và lớn hơn vào năng lượng gió cũng như năng lượng Mặt trời đang khiến nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch tăng lên mức đỉnh hoặc hầu như không thay đổi, dẫn đến giảm lượng khí thải.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới công bố hằng năm, IEA cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do cuộc xung đột ở Ukraine đang tạo ra những thay đổi sâu sắc và lâu dài, có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn.

Dựa trên các biện pháp và chính sách mới nhất của các chính phủ nhằm ứng phó giá năng lượng tăng cao, IEA dự báo đến năm 2030, đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu sẽ tăng hơn 50% so với mức hiện nay, lên 2.000 tỷ USD mỗi năm. Theo IEA, những biện pháp ứng phó giá năng lượng tăng cao sẽ giúp thúc đẩy triển vọng lợi nhuận của năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Kết quả là, lượng phát thải toàn cầu sẽ có thể đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó sẽ giảm dần, từ mức 37 tỷ tấn/năm xuống còn 32 tỷ tấn/năm vào năm 2050.

IEA dự báo nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh hoặc hầu như không thay đổi. Theo đó, tiêu thụ than đá hiện đang tạm thời gia tăng sẽ giảm trở lại trong vài năm tới, khi sản lượng năng lượng tái tạo tăng. Trong khi đó, tiêu thụ khí đốt tự nhiên được dự báo không thay đổi vào cuối thập niên này. Nhu cầu dầu mỏ có thể chững lại vào giữa những năm 2030, sau đó giảm dần vào giữa thế kỷ này do lượng tiêu thụ xe điện tăng cao. Nhìn chung, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong kịch bản chính sách của IEA có thể giảm từ khoảng 80% xuống chỉ còn trên 60% vào năm 2050.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định các chính sách và thị trường năng lượng đã thay đổi do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, không chỉ trong thời điểm hiện tại mà trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo thế giới vẫn có nguy cơ chứng kiến mức tăng nhiệt độ toàn cầu khoảng 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này, dẫn đến những tác động nghiêm trọng đối với khí hậu.

IEA đã đưa ra một kịch bản để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tiêu chí cần thiết để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Với kịch bản này, thế giới sẽ phải tăng các khoản đầu tư vào năng lượng sạch lên mức 4.000 tỷ USD/năm vào năm 2030, thay vì mức ước tính 2.000 tỷ USD hiện nay.

IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư