Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
IFC và Maybank dùng hết room ngoại ở ABBank
Thùy Liên - 23/04/2013 12:50
 
Với việc chuyển đổi này, IFC trở thành cổ đông lớn của ABBANK với tỷ lệ sở hữu 10% và Maybank tiếp tục sở hữu 20% vốn điều lệ; vốn điều lệ của ABBANK cũng tăng từ gần 4.200 tỷ đồng lên gần 4.800 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN

Hôm nay, ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã tổ chức Lễ công bố phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Maybank, sau khi hai tổ chức này thực hiện việc chuyển đổi bắt buộc trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông ghi danh vào ngày 18/4/2013 theo hợp đồng ba bên ký kết tháng 12/2010.

Với việc chuyển đổi theo hợp đồng này, IFC trở thành cổ đông lớn của ABBANK với tỷ lệ sở hữu 10% và Maybank tiếp tục sở hữu 20% vốn điều lệ.

Như vậy, IFC và Maybank là những cổ đông lớn của ABBANK cùng với các tập đoàn kinh tế lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cổ đông nước ngoài được phép sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

Như vậy, tại ABBANK, tỷ lệ này đã được sử dụng hết. Với sự tham gia góp vốn của IFC, và phần vốn nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần 20% của Maybank, vốn điều lệ của ABBANK tăng từ gần 4.200 tỷ đồng lên gần 4.800 tỷ đồng.

Trước khi trở thành cổ đông của ABBANK, từ năm 2009 đến nay, IFC đã hỗ trợ ABBANK trong các lĩnh vực xây dựng sản phẩm và chính sách phát triển sản phẩm cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài trợ thương mại, và nâng cao năng lực quản trị ngân hàng. Sau khi trở thành cổ đông lớn của ABBANK, IFC sẽ cử nhân sự tham gia Hội đồng Quản trị và tiếp tục cùng với các cổ đông khác hỗ trợ các hoạt động của ABBANK.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cổ đông chiến lược Maybank cũng thể hiện cam kết lâu dài bằng cách tham gia góp vốn để duy trì tỉ lệ sở hữu tối đa theo qui định của pháp luật là 20% dành cho một cổ đông nước ngoài, đồng thời tham gia Hội đồng Quản trị, Ủy ban Quản lý rủi ro và Ủy ban Nhân sự của ABBANK. Trong năm 2013, Maybank tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ ABBANK quản lý và hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro và hệ thống kiểm toán nội bộ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBANK nhận định, việc thu hút được nhà đầu tư nước ngoài là IFC và Maybank đã thể hiện ABBANK là ngân hàng có tính hình tài chính ổn định, có năng lực nội tại, tuân thủ các tiêu chí an toán, đáp ứng các yêu cầu cải thiện hệ thống do nhà đầu tư đề xuất và có khả năng hấp thụ các tư vấn và chương trình hợp tác chiến lược từ nhà đầu tư nước ngoài. ABBANK tự hào vì có sự tham gia của IFC và Maybank.

"Trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế và ngành tài chính, ABBANK có nền tảng và người đồng hành cùng hỗ trợ đưa Ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. ABBANK cam kết sẽ nỗ lực chuyển đổi kinh doanh và quản trị rủi ro theo định hướng của Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế để phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Tiền nói.

Được biết, IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân. Chức năng của IFC là giúp các nước đang phát triển tăng trưởng bền vững thông qua đầu tư tài chính, và huy động vốn từ các thị trường tài chính quốc tế, và cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp và chính phủ.

Trong khi đó, Maybank Group là nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn, thành lập năm 1960 tại Malaysia với tổng tài sản vượt 100 tỉ USD và lợi nhuận sau thuế trên 1 tỉ USD. Maybank có hệ thống mạng lưới rộng khắp Malaysia và toàn cầu bao gồm 1750 chi nhánh và phòng giao dịch tại 7 quốc gia trong khu vực ASEAN và tại các trung tâm tài chính thế giới. Maybank có mặt tại Việt Nam từ tháng 10 năm 1995 với việc mở các chi nhánh tại Hà Nội. Sau đó Maybank mở văn phòng đại diện tại TPHCM và chuyển thành Chi nhánh TPHCM năm 2005.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư