Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 12 năm 2024,
Khắc khoải chờ được đầu tư năng lượng tái tạo
Thanh Hương - 09/12/2024 13:55
 
Chờ đợi để đàm phán giá, chờ hướng dẫn xem dự án được triển khai ra sao là thực tế ở một số dự án năng lượng tái tạo hiện nay.
Một Dự án điện gió tại Ninh Thuận (Ảnh: Đức Thanh)
Một dự án điện gió tại Ninh Thuận (Ảnh: Đức Thanh)

Dự án trong quy hoạch vẫn không dễ làm

Trong góp ý của Bộ Công thương mới đây với tỉnh Trà Vinh liên quan việc thực hiện 5 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh này có nổi lên câu chuyện các trạm biến áp và đường dây truyền tải điện phục vụ đấu nối các dự án vào hệ thống điện quốc gia chưa rõ ràng.

Cụ thể, 5 dự án điện gió, gồm các nhà máy điện gió (NMĐG) V1-1 Trà Vinh giai đoạn II công suất 48 MW, NV1-5 và V1-6 giai đoạn II; NMĐG V3-3 công suất 48 MW, đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Trong đó, NMĐG V1-2 mở rộng và NMĐG V3-4 có tiến độ dự kiến vận hành trong giai đoạn 2026-2030.

Ở các dự án điện gió này, tỉnh Trà Vinh đưa ra các phương án đấu nối cụ thể. Chẳng hạn, NMĐG V1-1 Trà Vinh được đấu nối ở cấp điện áp 110 kV bằng giải pháp lắp thêm máy biến áp T3 công suất 63 MVA tại Trạm biến áp NMĐG V1-1, tận dụng lưới điện đấu nối Dự án NMĐG V1-1 hiện hữu.

NMĐG V1-2 mở rộng cũng có giải pháp là tận dụng lưới điện đấu nối hiện hữu của NMĐG V1-2.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do Quyết định 262/QĐ-TTg chỉ bao gồm danh mục các dự án điện mặt trời xem xét sau năm 2030 được triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu, nên EVN chưa thực hiện tính toán khung giá đối với nhà máy điên mặt trời.

Đối với NMĐG, EVN chỉ thực hiện tính toán khung giá cho các NMĐG trên bờ (trên đất liền và gần bờ) hoặc NMĐG trong đất liền và NMĐG trên biển). Nghĩa là, chỉ tính khung giá cho NMĐG trên đất liền, NMĐG gần bờ và chưa tính toán khung giá đối với NMĐG ngoài khơi.

Hay NMĐG V3-3 có đề xuất đấu nối ở cấp điện áp 220 kV bằng việc lắp máy biến áp 63 MVA tại trạm biến áp 220 kV Đông Thành 1 và đường dây 220 kV Đông Thành 1- trạm biến áp 500 kV Duyên Hải. Tiến độ dự án này trong phê duyệt chủ trương đầu tư cũng yêu cầu đồng bộ với tiến độ cải tạo trạm biến áp 500 kV Duyên Hải để đảm bảo giải tỏa công suất nhà máy.

Trong góp ý, Bộ Công thương đã đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá sự phù hợp giải pháp đề xuất đấu nối NMĐG trong hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư với phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 2/10/2023.

Đồng thời, lưu ý địa phương cần đảm bảo giải toả công suất các dự án NMĐG đề xuất chủ trương đầu tư và không ảnh hưởng đến khả năng giải toả công suất các dự án nguồn điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, theo nhận xét của Bộ Công thương, Quyết định số 1142/QĐ-TTg chưa thấy danh mục xây dựng mới, cải tạo trạm biến áp và lưới điện 110 kV đấu nối cho các dự án điện gió nêu trên.

Điều này đồng nghĩa, UBND tỉnh Trà Vinh phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn hoặc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh để bổ sung phương án đấu nối của các dự án trên, làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án điện.

Lại tiếp tục khắc khoải chờ đợi

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà đầu tư cho hay, phần nhà máy đã phù hợp với quy hoạch, nhưng phần đấu nối dù không xây thêm km đường dây nào lại vẫn chưa phù hợp với quy hoạch do chưa có trong Quy hoạch Điện VIII.

Điều này có thể là vì Quy hoạch Điện VIII không cho rằng, các tuyến đường dây này là trọng điểm cần đưa ra rõ ràng và phê duyệt, trong khi Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng không có.

“Như vậy, để địa phương có thể phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, trước khi mang ra kêu gọi nhà đầu tư bày tỏ quan tâm, cần phải sửa Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh để đưa mấy đường dây này vào. Sau đó, địa phương phải trình Thủ tướng duyệt lại Quy hoạch thì mới tạm coi là đủ tư cách”, nhà đầu tư này nhận xét.

Tìm hiểu của các nhà đầu tư cũng cho hay, phần phát triển lưới điện (kể cả lưới đấu nối các dự án nguồn có trên địa bàn địa phương) sẽ do chính địa phương lập trong Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Với thực tế, hầu hết Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra.

Tại Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã duyệt có cả phần nhà máy và các đường dây đấu nối, thì địa phương chỉ cần ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó có nội dung phát triển mạng lưới cấp điện, rồi các sở/ngành trong tỉnh duyệt với nhau là có thể triển khai dự án điện.

Trường hợp, Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội địa phương được duyệt chưa có phần đường dây đấu nối, mà chỉ có phần nhà máy, thì chặng đường phía trước còn tốn thời gian. Đáng chú ý là, rất có thể, phần lớn địa phương sẽ gặp tình huống này.

“Chúng tôi được biết, Luật Điện lực sửa đổi có đưa giải pháp tháo gỡ theo hướng cho địa phương được tự phê duyệt phần lưới theo một văn bản tên là Kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, Luật Điện lực tới ngày 1/2/2025 mới có hiệu lực, sau đó, địa phương cũng phải đưa vào Quy hoạch và trình kỳ họp HĐND thông qua cũng phải mất thêm 3-6 tháng nữa vì thường một năm chỉ có 2 lần họp. Sau đó, lại trình Thủ tướng ký thì cũng mất thêm thời gian nữa. Vì vậy, nhà đầu tư thật sự lúng túng không biết nên chờ đợi cơ hội ra sao”, đại diện doanh nghiệp đang quan tâm các dự án NMĐG nói trên chia sẻ.

Trong lúc các dự án NMĐG mới có thể vấp phải các thách thức này, thì các NMĐG chuyển tiếp hoặc dở dang cũng vẫn gặp những thách thức trong đàm phán giá điện.

Một dự án điện gió khác thuộc diện chuyển tiếp cho hay, giá điện mà các dự án chuyển tiếp đàm phán với Công ty Mua bán điện của EVN hiện nay là theo khung giá tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành đầu năm 2023. Tuy nhiên, mức giá này khá thấp, khiến nhà đầu tư gặp nhiều bất lợi, trong khi không ít dự án bị trượt giá quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg là bởi các khó khăn do Covid-19, chứ không phải thiếu năng lực.

IEA: Tổng đầu tư năng lượng toàn cầu cả năm 2024 dự kiến vượt 3.000 tỷ USD
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng đầu tư năng lượng toàn cầu năm nay dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD, trong đó khoảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư