Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khách hàng không biết sản phẩm chủ lực của Hà Nội
Phan Long - 31/05/2013 14:12
 
Hà Nội có 57 sản phẩm của 48 doanh nghiệp lọt vào danh sách sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng không mấy khách hàng biết đến, do ông tác quảng bá cho các sản phẩm chủ lực chưa thực sự hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN
Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

Theo bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện Hà Nội có 57 sản phẩm công nghiệp thuộc 48 doanh nghiệp lọt vào danh sách các sản phẩm công nghiệp chủ lực theo tiêu chí của thành phố.

“Với sự hỗ trợ của thành phố về vốn ưu đãi, thuế, quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại, đa số các doanh nghiệp trong danh sách đều ổn định sản xuất, tăng doanh thu và có lợi nhuận, bất chấp bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.

Nhấn mạnh về sự cần thiết đối với những chính sách hỗ trợ của thành phố, nhưng đại diện một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả, thiết thực của các chính sách trong chương trình này.

Dí dỏm khi kể một câu chuyện về việc đi đấu thầu cung cấp sản phẩm của công ty, ông Phạm Trí Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vicostone cho biết: “Khi đối tác mời thầu có hỏi, vì sao giá sản phẩm của Vicostone lại đắt hơn các đối thủ, tôi nói vui, vì sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm chủ lực của thành phố. Câu trả lời của họ là: chủ lực hay không chỉ có ông biết chứ ai biết đâu”.

Theo ông Dũng, nói như vậy để thấy rằng, công tác quảng bá cho các sản phẩm chủ lực chưa thực sự hiệu quả, thành phố vẫn thiếu những “sân chơi” chung để các doanh nghiệp trong nhóm có thể quảng bá, giới thiệu thế mạnh của mình đến các đối tác.

Đồng quan điểm này, Phó Tổng giám đốc Kim khí Thăng Long, ông Lê Trí Liêm cho biết, khả năng, ý thức hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngay trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực nói riêng còn quá kém.

Ông Liêm lấy ví dụ ngay về việc Kim khí Thăng Long và một số doanh nghiệp trong nhóm công nghiệp chủ lực đang cung ứng sản phẩm cho Honda Việt Nam. Tuy nhiên, chính Kim khí Thăng Long cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp này, đa phần là bằng cách hạ giá chứ không thể cùng bắt tay để phục vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm tốt hơn cho đối tác. Về lâu dài, như vậy rất bất lợi cho doanh nghiệp.

“Theo tôi, thành phố nên có một tiểu ban hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất sản phẩm chủ lực để họ có thể dễ dàng có một tiếng nói chung, liên kết với nhau cùng lớn mạnh”, ông Liêm đề xuất.

Về góc độ quảng bá thương hiệu của các sản phẩm chủ lực, dù cho rằng trách nhiệm này đa phần thuộc về doanh nghiệp, nhưng theo ông Liêm, nếu đã coi các sản phẩm của doanh nghiệp vào danh sách sản phẩm chủ lực, thành phố cần có những “sân chơi” chung, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp phát huy thế mạnh, còn như hiện nay, việc quảng bá vẫn chưa hiệu quả.

“Chúng tôi đã sản xuất vành xe máy có chất lượng tốt ngang của Honda, với giá bán chỉ bằng 1/2 nhưng vẫn rất khó bán ở Việt Nam, trong khi ở thị trường Campuchia lượng tiêu thụ rất lớn”, ông Liêm dẫn chứng về việc khó khăn trong làm thương hiệu tại Việt Nam.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Thu Vịnh thừa nhận, công tác quảng bá các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào giới thiệu các chính sách hỗ trợ mà chưa làm nổi bật hình ảnh của sản phẩm và các doanh nghiệp sản xuất.

“Chúng tôi sẽ báo cáo thành phố và tìm biện pháp đẩy mạnh việc này cũng như các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá tốt hơn”, bà Vịnh hứa. “Hiện các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa có hiệp hội để làm đầu mối liên kết các thành viên. Thành phố hay sở chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể đứng ra thành lập thay. Các doanh nghiệp phải tự chủ động trong việc này”, bà Vịnh nhấn mạnh thêm.

Ngoài những khó khăn nói trên, đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, họ vẫn đang gặp khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo ông Lê Trí Liêm, doanh thu bình quân của Kim khí Thăng Long khoảng 80 tỷ đồng/tháng, vì vậy doanh nghiệp cần một lượng vốn rất lớn để lưu thông cũng như mua sắm vật tư phục vụ sản xuất.

“Chúng tôi rất cần các chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi của thành phố để doanh nghiệp có thể tiếp cận”, ông Liêm nói. “Trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được lượng vốn ưu đãi với lãi suất 0,2%/tháng mà thành phố dành cho doanh nghiệp”, Phó Tổng giám đốc Vicostone Phạm Trí Dũng bày tỏ.

Lý giải về điều này, bà Vịnh cho biết, thành phố dành nguồn vốn vay ưu đãi trị giá 100 tỷ đồng cho chương trình trên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên hai năm qua, rất ít doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhà xưởng trong giai đoạn này nên không có nhu cầu vay, chứ không phải vì thủ tục phức tạp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư