Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: “Tối hậu thư” cải cách
Hà Nguyễn - 04/07/2018 07:56
 
Một lần nữa, “tối hậu thư” cải cách đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, diễn ra trong hai ngày 2-3/7. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi hôm nay (4/7), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF giữa kỳ - kênh đối thoại chính sách hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư - được tổ chức.

Hẳn nhiên, chuyện cải cách sẽ tiếp tục được nhắc đến như là một trong những thông điệp nhất quán của Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh điều đó là bởi sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và rằng, kỷ cương phép nước chưa nghiêm; bệnh quan liêu, xa dân vẫn còn; tinh thần kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa được tuân thủ đúng… Những điều này không chỉ dẫn tới sự trì trệ của đất nước, mà còn là rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước khi thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình.

.
.

Doanh nghiệp sẽ không thể nâng cao hiệu quả đầu tư khi ngay cả những điều kiện kinh doanh vô lý chậm được cắt bỏ, cho dù Chính phủ nhiều lần yêu cầu phải chấn chỉnh tình trạng trên.

Thời hạn được đặt ra là đến cuối tháng 10/2018, các bộ, ngành phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng đến hết quý II/2018, mới có 378/5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa (đạt trên 13%). Một tỷ lệ còn quá ít. Yêu cầu cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018 cũng trong tình trạng tương tự, chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn hạn chế…

Chưa kể, vẫn còn nỗi lo về nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành. Còn tình trạng cán bộ cứ “ôm vào mình quyền lợi không chính đáng”. Còn không ít chi phí không chính thức mà doanh nghiệp đã nhiều lần than phiền phải nộp…

Muốn tạo dựng một môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng, an toàn, không thể không nỗ lực cải cách. Không thể không tiếp tục lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư để từ đó tiếp tục cải cách, cải cách và cải cách.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, qua hơn 20 năm thành lập VBF, qua 40 lần đối thoại giữa kỳ và cuối kỳ, dù Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng vẫn còn những vướng mắc, những rào cản mà qua nhiều lần đối thoại, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Phải chăng là do “sức ỳ” của cải cách, như Thủ tướng Chính phủ đã nói. Có sức ỳ nên “làm cũng được không làm cũng không sao”. Có sức ỳ nên có chuyện cán bộ thờ ơ, thiếu trách nhiệm…

“Giờ phải làm sao khắc phục những điều này để đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn”. Người đứng đầu Chính phủ đã nói như vậy. Đó cũng là “tối hậu thư” cho cải cách. Cải cách để giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển. Cải cách để nâng cao năng suất lao động. Cải cách để khu vực tư nhân trong nước phát triển, có thể liên kết chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo nên các động năng tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Đây không chỉ là mệnh lệnh từ Chính phủ, mà là mệnh lệnh của cải cách, của đất nước.

Kinh tế tăng trưởng ấn tượng và lạm phát thấp: Cơ hội để đẩy mạnh cải cách
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao chính là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư