Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 9: Cái “khó” của Quốc hội
Nguyên An - 20/05/2020 07:14
 
Sáng nay (20/5), như thường lệ, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ nhất trong năm. Là định kỳ, nhưng diễn ra trong bối cảnh có nhiều biến động lớn do tác động từ đại dịch Covid-19, nên bên cạnh nhiệm vụ thường nhật là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, thì những vấn đề mà dường như kỳ nào cũng được đặt lên bàn nghị sự là kinh tế - xã hội, ngân sách... lại đòi hỏi quyết sách mới. Đó là điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng thế nào, có chuyển toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công hay không, ngân sách hụt thu hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ “co kéo” ra sao...

Về tăng trưởng kinh tế, trước thềm kỳ họp, Chính phủ dự kiến điều chỉnh từ 6,8% xuống 4,5% để linh hoạt trong điều hành. Tuy nhiên, một con số phấn đấu cao hơn vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì tăng trưởng năm 2020 sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu của cả giai đoạn 2016 - 2020, đến lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Vì thế, cái khó của Quốc hội là quyết định thế nào để cùng Chính phủ đạt được “mục tiêu kép”: vừa chống dịch thành công, vừa giúp kinh tế có thể bật dậy sau đại dịch. Trong kỳ họp đặc biệt này, quyết định có thay đổi hình thức đầu tư con đường huyết mạch Bắc - Nam hay không cũng là một vấn đề rất khó nữa được đặt lên bàn nghị sự.

Để kịp trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung trên, trước đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có một phiên họp mở rộng kéo dài đến hơn 19 giờ. Suốt hơn ba tiếng làm việc không giải lao, dù không có vị nào than thở vì phải họp xuyên thời điểm mà lẽ ra đang quây quần với gia đình bên bữa tối, nhưng lại "thở than" vì vấn đề được đặt ra để thảo luận quá... khó, quá gấp gáp.

Hai ngày sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng "tiến thoái lưỡng nan" khi xem xét nội dung đó. Bởi, nếu đồng ý thì lo vô số thứ, trong đó tiền không phải đầu tiên, dù lãnh đạo Bộ Tài chính quả quyết không thể để "nợ" 44.000 tỷ đồng (số tiền cần thêm trong trường hợp chuyển sang đầu tư công) cho nhiệm kỳ sau, mà còn lo tâm lý của nhà đầu tư khi chính sách đột ngột thay đổi có khiến việc huy động vốn tư nhân gặp khó…

Nhưng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn quyết "chờ" các cơ quan liên quan hoàn thiện thêm hồ sơ rồi mới quyết định có trình Quốc hội xem xét hay không, sau khi cơ quan trình mong được gỡ khó, vì nếu không được quyết ở thời điểm này thì tiền đã có, chủ trương đã có, mặt bằng cũng sẵn rồi, nhưng con đường cao tốc nối liền Bắc - Nam lại chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực.

Một lá phiếu có thể góp phần thông qua hoặc không thông qua những vấn đề rất lớn của đất nước. Đó luôn luôn là cái "khó", là trách nhiệm nặng ngàn cân của các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất.

Covid - 19 không chỉ làm thay đổi hình thức họp của Quốc hội, mà nội dung cũng nhiều lên, cũng thay đổi liên tục.

Trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc cả ngày thứ Bảy với gần 10 nội dung cần được cho ý kiến để kịp chốt chương trình.

Covid- 19 có ảnh hưởng, nhưng không phải mọi thứ chậm trễ đều đổ cho đại dịch. Hơn một lần, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải nhấn mạnh như thế, khi có những việc đã triển khai từ vài năm trước, nay lý do đề nghị thay đổi lại đặt Covid-19 vào vị trí trung tâm.

Phát biểu bế mạc phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi giờ hành chính đã hết từ lâu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hồ sơ của một số nội dung quan trọng gửi quá muộn, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội trong việc tiến hành thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị chấn chỉnh tình trạng này.

Nhưng, sự chậm trễ đâu chỉ có thế. Khi chỉ còn 3 ngày trước khi Quốc hội chính thức bước vào kỳ họp, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, mới có rất ít tài liệu chính thức được gửi đến đại biểu Quốc hội, gồm dự thảo 4 nghị quyết, tờ trình của 2 dự án luật, báo cáo thẩm tra của 1 dự án luật, 4/17 nội dung gửi đại biểu tự nghiên cứu. Trong khi tất cả tài liệu phục vụ kỳ họp gấp nhiều lần các con số thống kê này.

Hồ sơ một dự án luật có khi lên đến mấy ngàn trang. Mỗi nội dung cần quyết định đại biểu không chỉ tự mình nghiên cứu, mà còn cần tham vấn chuyên gia, lắng nghe ý kiến đối tượng bị tác động..., nhưng đại biểu Quốc hội vẫn chưa thoát cảnh "bắc nước chờ gạo người" kéo dài từ những khoá trước. Cái khó này không hề nhỏ, sẽ khiến các vị đại diện cho dân phải làm việc, mà không quan tâm đến giờ hành chính hay ngày nghỉ - như hoạt động của một số đại biểu chuyên trách những ngày qua.

Cái “khó” của Quốc hội còn nhiều hơn thế nữa. Song, ở kỳ họp đặc biệt trong thời điểm đặc biệt này, làm sao để mỗi quyết sách đều góp phần giúp Chính phủ có thể chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành, để nhân dân thêm vững lòng vượt khó, là tinh thần đã được chuẩn bị cao nhất, từ mỗi vị đại diện cho dân.

Trình Quốc hội sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 9, sáng nay (20/5), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư