Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 25 tháng 02 năm 2025,
Khốc liệt “cuộc chiến” chống lừa đảo trên không gian mạng - Bài 1: Khách hàng của doanh nghiệp lớn thành “con mồi”
Ngô Nguyên - 25/02/2025 08:49
 
Nhiều doanh nghiệp điện, nước đồng loạt lên tiếng cảnh báo hình thức lừa đảo giả mạo nhân viên công ty đe dọa cắt điện, cắt nước nếu khách hàng không thanh toán hóa đơn. Để chứng minh là nhân viên “xịn”, kẻ lừa đảo đã đọc chính xác mã số đồng hồ, chỉ số nước, thậm chí cả thông tin khách hàng đã thanh toán qua ngân hàng nào, thông tin về giao dịch chuẩn tới từng phút.
Doanh nghiệp phải nhắn tin tới từng khách hàng để cảnh báo về thủ đoạn giả mạo, lừa đảo. Chính quyền, dù đã phá tan nhiều đường dây lừa đảo liên quốc gia, vẫn phải ráo riết xây dựng mô hình liên ngành nhằm ngăn chặn, xử lý nhanh. Còn các tổ chức lừa đảo, khi bị phát hiện thủ đoạn, thì lập tức đổi trăm phương ngàn kế. “Cuộc chiến” chống lừa đảo trên không gian mạng khốc liệt từng phút, từng giờ.

Doanh nghiệp cấp nước bị mạo danh để lừa đảo

Mới đây, người viết bài này nhận được điện thoại của một người xưng là L.T. Cường, mã số nhân viên 931299 thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (Thu Duc Wasuco, trụ sở tại phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.HCM), thông báo sẽ tới cắt nước, vì gia đình chưa thanh toán tiền nước tháng 1/2025.

L.T. Cường chứng minh mình là nhân viên “xịn” bằng việc đọc rõ khối lượng nước mà gia đình sử dụng từng tháng; ngày, giờ thanh toán; số tiền thanh toán, chuyển khoản qua ngân hàng nào. Tất cả đều chính xác tới từng số nhỏ.

Khi phóng viên Báo Đầu tư trả lời là đã thanh toán, L.T. Cường yêu cầu kết nối Zalo với người tên M.L qua số 0845769740 và gửi ảnh chụp màn hình giao dịch chuyển khoản để nhân viên làm căn cứ cập nhật lại trên hệ thống.

Thu Duc Wasuco khẳng định, Công ty chỉ áp dụng thanh toán qua các cổng thanh toán thu hộ chính thức được đồng bộ tự động như: VNPAY, Payoo, Momo và Intermet banking của các ngân hàng BIDV, SaiGonBank, Agribank, Vietcombank, Eximbank, ACB, MBBank, VietinBank, Sacombank... Thu Duc Wasuco chỉ có 2 số tài khoản chính thống: tài khoản số 6100201004335 tại Agribank Chi nhánh Thủ Đức; tài khoản số 6220201007361 tại Agribank Chi nhánh Chợ Lớn - Phòng Giao dịch Hòa Bình. Nếu khách hàng nhập số tài khoản khác mà vẫn hiện tên Công ty, thì đó là tài khoản giả mạo.

Không riêng phóng viên Báo Đầu tư, hàng loạt người dân phường Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức) cũng nhận được cuộc gọi tương tự. Nhiều người hốt hoảng vì sợ bị cắt nước và được “nhân viên” hướng dẫn nhấp vào link để liên kết đóng tiền nước, hoặc gọi video call để nhận diện gương mặt chủ nhà nhằm xác tín.

Trước sự bất an của người dân, lập tức, phóng viên Báo Đầu tư gọi điện tới đường dây nóng của Thu Duc Wasuco và được nhân viên trực cho hay, Công ty không có nhân viên nào có mã số như vậy; Công ty cũng không gọi điện nhắc nợ tiền nước và yêu cầu khách hàng phải chứng minh việc thanh toán.

Theo chuyên gia an ninh mạng, khi người dân nhấp vào link có mã độc, điện thoại/máy tính của họ sẽ bị xâm nhập và bị đánh cắp dữ liệu. Nếu khách hàng thực hiện cuộc gọi video call để nhận diện gương mặt, các đối tượng sẽ có được hình ảnh và giọng nói của khách hàng, sau đó, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để làm giả video với hình ảnh và giọng nói đó, rồi nhắn tin vay tiền của những người trong danh sách bạn bè trên Facebook, Zalo của nạn nhân, đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả mạo nhằm tăng độ tin cậy để có thể lừa đảo thành công.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng có thể dùng khuôn mặt để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử đúng tên của nạn nhân nhằm thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Không chỉ gọi điện, nhắn tin, các đối tượng lừa đảo còn lập ra nhiều ứng dụng (app) để lừa đảo.

Nhân viên trực đường dây nóng của Thu Duc Wasuco cho hay, rất nhiều khách hàng của Công ty đã bị lừa mất tiền.

Hình thức lừa đảo online yêu cầu khách hàng thanh toán tiền nước sau lần xuất hiện vào năm 2023 tại tỉnh Sóc Trăng (giả mạo nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng) đã chìm đi khá lâu và gần đây tái xuất hiện ở TP. Thủ Đức với biến tướng tinh vi hơn.

Thu Duc Wasuco (mã  TDW, sàn HoSE) là doanh nghiệp cung cấp nước cho toàn TP. Thủ Đức (34 phường, quy mô dân số hơn 1 triệu nhân khẩu).

Trước tình trạng bị mạo danh để lừa đảo, Lãnh đạo Thu Duc Wasuco đã nhắn tin tới đại diện chính quyền 34 phường thuộc TP. Thủ Đức nhờ cảnh báo trên trang thông tin điện tử của địa phương và các hội/nhóm dân cư trên mạng xã hội để người dân nắm được, tránh bị “mắc bẫy” của những kẻ lừa đảo

Giám đốc Thu Duc Wasuco, ông Nguyễn Công Minh đã ký văn bản gửi Công an TP. Thủ Đức, UBND TP.HCM đề nghị giúp Công ty cảnh báo về thủ đoạn giả mạo, lừa đảo nói trên.

Một văn bản giả mạo cơ quan thuế gửi tới doanh nghiệp
Một văn bản giả mạo cơ quan thuế gửi tới doanh nghiệp

Doanh nghiệp điện “kêu trời”

Không chỉ khách hàng của các doanh nghiệp cấp nước, hàng loạt khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cũng bị gọi điện, nhắn tin “dọa” cắt điện bởi chưa thanh toán.

“Chiêu thức” vẫn là giả mạo nhân viên ngành điện đọc “vanh vách” và chính xác số đồng hồ, chỉ số điện tiêu thụ và cũng hướng dẫn khách hàng truy cập link để đóng tiền ngay, hoặc gọi video call để hiện mặt chứng minh chính chủ…

Có tới 50% nạn nhân bị lừa qua mạng là người cao tuổi

Công an TP.HCM thông tin, thời gian qua, cơ quan này ghi nhận nhiều trường hợp người cao tuổi bị lừa tiền tỷ khi tham gia mạng xã hội.

 Các thủ đoạn phổ biến mà những kẻ lừa đảo thường sử dụng là: đe dọa người cao tuổi nằm trong đường dây lừa đảo, tội phạm để yêu cầu chuyển tiền xác minh; thông báo con/cháu họ gặp tai nạn giao thông, sử dụng công nghệ cao gọi video call để yêu cầu chuyển gấp tiền do phải nhập viện; giả mạo nhân viên nhà mạng viễn thông hỗ trợ nâng cấp sim 4G/5G, từ đó chiếm đoạt sim và chiếm đoạt quyền sử hữu tài khoản ngân hàng; giả tặng quà, kêu gọi từ thiện, chuyển nhầm tiền; sử dụng phần mềm Deepfake giả mạo khuôn mặt và giọng nói giống hệt người bị hại để lừa đảo những người quen.

 Người cao tuổi bị lừa đảo nhiều lần, đến khi cạn tiền mới nghĩ đến sự trợ giúp của người thân. Tâm lý sợ liên lụy con cháu, không am hiểu về công nghệ là những yếu tố khiến người cao tuổi trở thành đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm tới.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho hay, ngành điện lực thường xuyên bị các đối tượng mạo danh nhắm tới. Đối tượng lừa đảo thường sử dụng các cách thức: gọi điện thông báo khách hàng nợ tiền điện với số tiền lớn, yêu cầu thanh toán ngay để tránh bị cắt điện, hoặc thông báo khách hàng ghi sai tên, sai số tài khoản; thông tin hệ thống điện đang gặp sự cố, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các thao tác chuyển tiền để khắc phục; thông báo, giới thiệu các chương trình khuyến mãi giả mạo, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link lạ hoặc tải ứng dụng độc hại để nhận ưu đãi.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN đã tiếp nhận không ít thông tin phản ánh từ khách hàng về những cuộc gọi của người lạ tự xưng là “nhân viên điện lực”.

Nội dung cuộc gọi nhằm “thông báo”: công ty điện lực ngừng cung cấp các dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện thông qua bên thứ ba (ngân hàng, ví điện tử…), sau đó yêu cầu khách hàng cài đặt “app điện lực mới” - thực tế là app giả mạo EVN - để tiếp tục thanh toán. Khi khách hàng không đồng ý thực hiện, thì bị dọa sẽ bị cắt điện và bị phạt tiền.

EVN khẳng định, tất cả hình thức trên là giả mạo để lừa đảo. Năm 2024, EVN và các tổng công ty điện lực không có thêm ứng dụng chăm sóc khách hàng nào và không yêu cầu người dân phải cài ứng dụng chăm sóc khách hàng mới.

Doanh nghiệp đóng thuế cũng thành “con mồi”

Cục Thuế TP.HCM mới đây cũng phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi văn bản tới cả cơ quan công an về việc trên địa bàn TP.HCM xuất hiện một số đối tượng giả mạo công chức thuế, gửi các văn bản tới người dân và doanh nghiệp yêu cầu nộp thuế để lừa đảo.

Thủ đoạn của các đối tượng này là yêu cầu người dân, doanh nghiệp cài đặt ứng dụng của ngành thuế trên máy tính, điện thoại di động và các thiết bị có nối mạng khác; thông báo việc sử dụng chứng từ điện tử khấu trừ thuế thu nhập; yêu cầu cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng nộp thế qua eTax mobile, mã số thuế, căn cước công dân, giấy phép đăng ký kinh doanh; mời cập nhật, kê khai thông tin để được hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hoặc hoàn thuế thuế thu nhập cá nhân, yêu cầu người nộp thuế trước khi đến cơ quan thuế phải kê khai thông tin tại trang thuế điện tử để nhận hồ sơ điện tử…

Nếu người nộp thuế ngại đến cơ quan thuế, thì các đối tượng lừa đảo đề nghị người nộp thuế tải link cài đặt phần mềm, ứng dụng của ngành thuế, sau đó chiếm đoạt các tài khoản mạng, tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.

Cục Thuế TP.HCM khẳng định, những hiện tượng, sự việc nêu trên đều là mạo danh, lợi dụng danh nghĩa công chức thuế, cơ quan thuế để lừa đảo. Cơ quan thuế không chỉ đạo và không tổ chức thực hiện các nội dung trên. Đây là việc làm gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cơ quan thuế và công chức thuế, gây phiền hà và cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

(Còn tiếp)

Giả danh nhân viên cấp nước nhắc nợ khách hàng để lừa đảo
Đối tượng giả danh nhân viên cấp nước gọi nhắc khách hàng thanh toán rồi yêu cầu gọi video call để nhận diện gương mặt, từ đó dùng công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư