Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khởi công Nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào cuối năm 2017
Thanh Hương - 06/12/2016 13:12
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khẩn trương chuẩn bị những công việc cần thiết để có thể khởi công Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào cuối năm 2017.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, EVN đã nhận đủ tài liệu của Dự án và đang triển khai công tác điều chỉnh thiết kế. Để thực hiện Dự án này, EVN đã giao việc cho Ban quản lý Nhiệt điện 2, nơi đã có kinh nghiệm và triển khai thực hiện rất tốt Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

“Theo kế hoạch, sau khoảng 46 tháng khởi công xây dựng, tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ đi vào vận hành. Tiếp đó 6 tháng sau, tổ máy 2 cũng sẽ đi vào hoạt động. Với Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 2, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh có đặt tiến độ vào quãng năm 2028, tuy nhiên, để tận dụng các công việc được triển khai từ Nhà máy số 1, EVN cũng đề nghị đẩy tiến độ Nhà máy số 2 vào sau Nhà máy số 1 khoảng 1 năm”, ông Tài Anh nói. Ông cũng cho biết thêm, hiện EVN đang cân nhắc lựa chọn công nghệ cho các dự án này.

.
Phối cảnh Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1

Hiện công nghệ đang phủ sóng các dự án nhiệt điện than là siêu tới hạn. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển và vấn đề vốn cho Dự án, công nghệ siêu tới hạn áp dụng cho nhà máy nhiệt điện than cũng đang được EVN cân nhắc.

Vào giữa tháng 11, lãnh đạo EVN cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình để bàn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trong Trung tâm Điện  lực Quảng Trạch.

Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam, tại thông báo số 338/TB-VPCP ngày 18/10/2016, EVN đã được giao làm chủ đầu tư các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch gồm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (nhận chuyển giao từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (trước đó do Tập đoàn Inter RAO của Nga nghiên cứu phát triển dự án).

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ đi vào vận hành từ năm 2021 (tổ máy 1) và 2022 (tổ máy 2). Đối với Nhiệt điện Quảng Trạch 2 là 2028 (tổ máy 1) -  2029 (tổ máy 2). Mỗi nhà máy có công suất 1.200 MW (gồm 2 tổ máy x 600 MW).

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cũng cho biết, EVN và PVN đã làm việc về công tác bàn giao Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và quá trình trao đổi giữa 2 bên đang tiếp tục.

Dự kiến, cuối năm 2017, EVN sẽ khởi công Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 để đáp ứng tiến độ đề ra. Đồng thời, EVN sẽ kiến nghị với Bộ Công Thương cho phép đẩy nhanh tiến độ của Nhiệt điện Quảng Trạch 2, phấn đấu đưa vào vận hành sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch, nhằm đảm bảo cấp điện cho giai đoạn 2025 trở về sau. Trong đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng cho biết những nhà máy này sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thiết bị bảo vệ môi trường.

Ông Thành khẳng định, EVN đã có phương án thu xếp đủ nguồn vốn đầu tư và Tập đoàn sẽ chỉ đạo thực hiện Dự án quyết liệt, đảm bảo nguồn điện năng cho đất nước. Với mục tiêu đó, EVN mong muốn sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của địa phương trong quá trình triển khai, như thủ tục chuyển giao đất từ PVN sang EVN, công tác di dân giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh khu vực triển khai dự án. Cũng theo đánh giá của EVN, công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án về cơ bản đã được đảm bảo để triển khai xây dựng.

Về phía địa phương, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cũng bày tỏ mong muốn EVN đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư. Lãnh đạo địa phương cam kết, tỉnh Quảng Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để EVN triển khai các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, đồng thời, khẳng định địa phương sẽ tuyên truyền thật tốt để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của Dự án trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như đối với tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng tin tưởng việc chuyển giao dự án giữa EVN và PVN sẽ diễn ra thuận lợi, bởi cả 2 đều là doanh nghiệp Nhà nước, cho dù trước đó, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, trong một văn bản gửi tới Chính phủ đã cho rằng, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ định Liên danh PVC - Lilama làm tổng thầu EPC, và các bên đang chuẩn bị trình lại hồ sơ đề xuất để phù hợp với Quy hoạch điều chỉnh. Với khối lượng công việc thực hiện dở dang ước khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị đã giải ngân  là 564,30 tỷ đồng, PVN sẽ rất khó thu hồi giá trị này nếu phải chuyển giao dự án...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, PVN đã có nói lời xin lỗi tỉnh Quảng Bình với lý do thời gian gần đây, giá dầu thô xuống thấp khiến PVN gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn mong muốn tiếp tục triển khai dự án.

Trước đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 do PVN làm chủ đầu tư, với quy mô vốn đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD, đã tiến hành khởi công san gạt mặt bằng vào tháng 7/2011.

Theo kế hoạch, cuối năm 2015, cả 2 tổ máy của dự án này phải hòa lưới điện Quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, hạng mục quan trọng nhất là nhà máy nhiệt điện vẫn chưa triển khai được gì trên thực địa.

Với thực tế này, tỉnh Quảng Bình đành phải chuyển niềm tin sang EVN để đạt được khát vọng gia tăng mạnh nguồn thu ngân sách từ các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn.

Bộ Công thương: Kiên quyết từ chối dự án nhiệt điện có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường
Liên quan đến các nhà máy nhiệt điện chạy than, Bộ Công thương vừa đưa ra thông cáo cho hay, sẽ kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư