Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Khởi động làn sóng đầu tư từ Pháp vào Việt Nam
Bảo Duy - 08/04/2013 15:53
 
Làn sóng đầu tư từ Pháp đang nóng lên khi 130 doanh nghiệp Pháp tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp (bắt đầu vào hôm qua, 7/4/2013), lên kế hoạch làm việc cho ít nhất 1.300 cuộc gặp với đối tác Việt Nam trong khoảng thời gian từ nay tới ngày 11/4.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Con số này đã được ông Marc Cagnard, Giám đốc Cơ quan Thương mại Pháp (Ubifrance) sử dụng để minh chứng cho sự không mơ hồ trong chuyến làm việc của đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay do cơ quan này tổ chức đến Việt Nam, trong đó có không ít doanh nghiệp lần đầu đến Việt Nam.

Sự hào hứng của ông Marc Cagnard cũng được ông Pierre-Jean Malgouyre, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, chia sẻ bằng thông điệp từ các hội viên của mình rằng, đây sẽ là năm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh của họ ,cho dù nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự tìm lại sức tăng trưỏng vốn có. “Các lĩnh vực đang được đặt trong tầm ngắm là bán lẻ, du lịch, thiết bị y tế, công nghệ xanh, viễn thông và công nghệ mới và đặc biệt là phần mềm, trò chơi video, các ứng dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng”, ông Pierre-Jean Malgouyre nói.

Renault đã quay trở lại Việt Nam và cùng các doanh nghiệp khác của Pháp tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Ảnh: Đức Thanh

Nhìn vào những động thái mới nhất của các doanh nghiệp Pháp, có thể thấy thông điệp này đang được thực hiện một cách rốt ráo. 4 tháng trước, Biomerieux, thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chẩn đoán trong ống nghiệm đã thành lập chi nhánh thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Đây là chi nhánh thứ 41 của Biomerieux trên thế giới.

Bel Group, một công ty chế biến thực phẩm, cũng đã chọn Bình Dương để xây dựng nhà máy sản xuất pho - mát đầu tiên tại châu Á. Không chỉ xác định Việt Nam là một thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng hai con số trong doanh số bán hàng, ông Antoine Fievet, Giám đốc điều hành Bel Group, thậm chí mong muốn Việt Nam sẽ là một cái nôi của Tập đoàn ở châu Á.

Đặc biệt, mới đây nhất, quyết định của Sanofi, thương hiệu dược và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ hàng đầu thế giới, trong việc bắt tay vào thực hiện Dự án Xây dựng nhà máy thuốc hiện đại trị giá 75 triệu USD tại Khu công nghiệp cao TP.HCM, mức đầu tư được cho là lớn nhất của Sanofi tại Việt Nam tới thời điểm này đã tạo nên bước ngoặt mới của thương hiệu lớn của Pháp này trong 50 năm hiện diện tại Việt Nam.

Cùng với đó, các kế hoạch duy trì đầu tư tại Việt Nam của các thương hiệu nổi tiếng của Pháp như Alstom, Renault, Total, Technip, Schneider Electric hay France Telecom, Invivo Group... cũng được xác định.

Cũng phải nhắc lại, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Diễn đàn này, bà Marie-Cécile Tardieu Smith, Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đã thẳng thắn tiết lộ những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Pháp tại châu Âu khi kinh tế khu vực này vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh này, bà Marie-Cécile Tardieu Smith cho biết, các doanh nghiệp Pháp buộc phải đẩy mạnh kế hoạch đa dạng hoá các đối tác ở châu Á. “Với lịch sử lâu đời trong quan hệ hai nước, nhiều doanh nghiệp Pháp đã mở rộng kinh doanh ở châu Á thông qua Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục được coi là cơ sở để tiếp cận thị trường khu vực”, bà Marie-Cécile Tardieu Smith nhận định khi lý giải cho sự hùng hậu của đoàn doanh nghiệp Pháp tham gia Diễn đàn lần này.

Rõ ràng, các doanh nghiệp Pháp đang xúc tiến các bước đi chiến lược trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực châu Á. “Tôi mong đợi một làn sóng đầu tư từ Pháp vào Việt Nam, bởi điều này sẽ đem đến cơ hội kinh doanh nhiều hơn cho chính các doanh nghiệp Pháp”, ông Pierre-Jean Malgouyre nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư