-
Xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp -
Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu Đại An 250 tỷ đồng -
Cầu Quảng Đà sẽ thông xe trong dịp 50 năm giải phóng Đà Nẵng - Quảng Nam -
Đề xuất xây dựng nhà máy xi măng Roli Quảng Trị -
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận: Chờ gỡ nút thắt cuối
Các nhà đầu tư châu Âu vẫn tiếp tục tin tưởng vào điểm đến đầu tư Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của ABB (Thụy Điển) tại Việt Nam |
Động thái mới
Trước khi tiếp hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn toàn cầu bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 55, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 55), cũng như các hoạt động song phương tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ với hàng loạt doanh nghiệp lớn của Séc và Ba Lan - những điểm đến đầu tiên trong hành trình công du châu Âu đầu năm 2025 của Thủ tướng.
Cả hai nền kinh tế này đều không phải là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Một con số để chứng minh, đó là tính đến hết năm 2024, Séc chỉ có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam, tới tổng vốn đăng ký trên 91 triệu USD. Trong khi đó, Ba Lan có 33 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 474 triệu USD. Đây đều là những con số rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên.
Tuy vậy, những động thái gần đây cho thấy, xu hướng đang tích cực hơn. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Praha (Séc), ông Klaus Zellmer, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Skoda, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Cộng hòa Séc cho biết, Skoda và Tập đoàn Thành Công (Việt Nam) đang hợp tác sản xuất - kinh doanh các sản phẩm xe ô tô tại Việt Nam.
Theo ông Klaus Zellmer, Skoda và Thành Công đang trong quá trình hoàn tất việc xây dựng Nhà máy Sản xuất và lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda tại Quảng Ninh - nhà máy sản xuất xe Skoda đầu tiên ở Đông Nam Á, với vốn đầu tư 500 triệu USD. Dự kiến, Nhà máy sẽ hoàn thành trong quý I/2025 và sẽ sớm đưa hai mẫu xe CKD đầu tiên - Kushaq và Slavia - giới thiệu ra thị trường ngay trong năm 2025.
“Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu ô tô của Skoda trong khu vực ASEAN và các thị trường khác”, lãnh đạo Tập đoàn Skoda nói và cho biết, Việt Nam chính là “cửa ngõ quan trọng” để Skoda tiếp cận thị trường ASEAN.
Trong khi đó, ông Pavel Tykac, chủ sở hữu Tập đoàn đầu tư toàn cầu Sev.en Global Investments, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Sev.en Global Investments đang chờ đợi các thủ tục phê duyệt cuối cùng để có thể hoàn tất thương vụ mua bán cổ phần tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2.
Thông tin cho biết, cuối năm 2023, Sev.en đã ký thỏa thuận mua 51% cổ phần tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 và vào tháng 8/2024 thông báo về việc mua thêm 19%, nâng tổng sở hữu cổ phần tại nhà máy điện này lên 70%.
Giá trị thương vụ này không được tiết lộ, nhưng con số chắc chắn sẽ thuộc diện “khủng”. Bởi lẽ, Nhiệt điện Mông Dương 2, thuộc sở hữu của Tập đoàn AES (Mỹ, nắm giữ 51% cổ phần), Tập đoàn Posco Energy (Hàn Quốc, nắm 30%) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC, nắm 19%), có vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD. Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ năm 2015, cho đến nay là tròn 10 năm.
Không chỉ hai tập đoàn trên, các tập đoàn khác của Séc và Ba Lan cũng bày tỏ mối quan tâm đến điểm đến Việt Nam. Theo ông Jiri Smejc, Giám đốc điều hành Tập đoàn quốc tế PPF - một công ty đa ngành, đang hiện diện tại Việt Nam với thương hiệu Home Credit, Việt Nam là đối tác quan trọng của PPF. Hiện tại, PPF có kế hoạch bán 100% vốn góp tại Home Credit cho Ngân hàng Siam của Thái Lan.
Trong khi đó, Tập đoàn dược phẩm Adamed, đã có nhà máy và trung tâm R&D tại Bình Dương, cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam và cam kết sẽ sản xuất các loại dược phẩm chất lượng cao, không chỉ để phục vụ thị trường Việt Nam, mà còn cho xuất khẩu.
Khơi dòng vốn từ châu Âu
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, đều hướng tới việc thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ Mỹ, châu Âu. Dù đã có nhiều cải thiện, với các dự án quy mô lớn đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây, như Dự án LEGO hơn 1 tỷ USD, nhưng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.
Nhưng không dừng lại ở đó, Sev.en còn dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam và Séc.
Bởi thế, làm thế nào để khơi dòng vốn đầu tư từ châu Âu vẫn là một trong những mong muốn của Việt Nam.
Một thông tin tích cực là, các nhà đầu tư châu Âu vẫn tiếp tục tin tưởng vào điểm đến đầu tư Việt Nam. Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) của doanh nghiệp châu Âu, do Euro Cham công bố hồi đầu tháng 1/2025, đã có bước ngoặt lớn khi tăng lên tới 61,8 điểm trong quý IV/2024, sau 2 năm chỉ dao động quanh mức 50 điểm. Kết quả này được EuroCham cho rằng, đã phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam, đồng thời minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu.
Có một con số đáng chú ý trong kết quả khảo sát của EuroCham. Đó là có tới 75% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết, họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Dễ hiểu vì sao có tỷ lệ này, khi mà giới đầu tư toàn cầu nói chung, châu Âu nói riêng ngày càng công nhận tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
“Chỉ số BCI cho thấy, bất chấp biến động toàn cầu, niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam đang tăng mạnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển và đầu tư trong tương lai. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết.
Thông tin là tích cực, nhưng cũng chính kết quả khảo sát này cho biết, các nhà đầu tư châu Âu vẫn đang lo ngại về các vấn đề liên quan đến gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng, khó khăn trong việc xin giấy phép, bao gồm cả xin visa cho chuyên gia nước ngoài, thủ tục xuất nhập khẩu và đăng ký đầu tư.
Gỡ được các trở ngại này chính là cách để có thể khơi thông dòng chảy đầu tư từ châu Âu. Thêm nữa, thời gian tới đây, khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA được thông qua, sẽ tạo thuận lợi hơn cho khơi thông dòng vốn từ châu Âu.
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam và Cộng hòa Séc đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược. Tổng thống Séc Petr Pavel cho biết, sẽ thúc đẩy các nước châu Âu còn lại sớm phê chuẩn EVIPA. Động thái này là tích cực, qua đó sẽ thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam và châu Âu.
-
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận: Chờ gỡ nút thắt cuối -
Khơi dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ châu Âu -
Ba dự án quan trọng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị chậm tiến độ -
Thời điểm lý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế -
Đầu tư 2.200 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Nghĩa Hưng, tỉnh Bắc Giang -
Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân -
Đầu tư hơn 2.806 tỷ đồng xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Song Mai - Nghĩa Trung
-
1 Chấp nhận kết quả nghiệm thu Bến số 5, 6 cảng Lạch Huyện trị giá 8.951 tỷ đồng -
2 Tăng trưởng kinh tế 2025 có ẩn số nằm ở xuất khẩu -
3 Kích hoạt thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư -
4 Chính sách kinh tế của ông Donald Trump sẽ ảnh hướng tới kinh tế vĩ mô của Việt Nam ra sao? -
5 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/1
- Năm 2024, Nhựa Tiền Phong đạt doanh thu 5.530 tỷ đồng
- Đáp ứng mọi nhu cầu một điểm chạm, mô hình hệ sinh thái tạo giá trị khác biệt
- Thay đổi giấy phép kinh doanh nhanh chóng, đúng luật với Kế toán Apolo
- Concentrix Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc tại APEA 2024
- SeABank ra mắt Định vị giá trị mới dành cho khách hàng SeAPremium và tổ chức giải golf kết nối cộng đồng tinh hoa
- Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 27,5 nghìn tỷ, tăng 20,3% so với cùng kỳ