Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Khối FDI giành lợi thế trong xuất khẩu
Nguyên Đức - 03/07/2013 06:57
 
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng giành lợi thế trong cuộc đua xuất nhập khẩu. Nhưng không khỏi băn khoăn khi nhóm hàng xuất khẩu lớn của khối FDI phần lớn lại là gia công, lắp ráp. 
TIN LIÊN QUAN

Samsung Electronics Vietnam (SEV) trong 5 tháng đầu năm đã xuất khẩu được 8,98 tỷ USD các sản phẩm điện thoại di động.

Doanh nghiệp FDI đóng góp tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu của
mặt hàng điện thoại di động và linh kiện trong 6 tháng đầu năm 2013.
(Ảnh: Đức Thanh)

Con số này chắc chắn còn tăng hơn nữa, bởi theo ước tính của Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2013, xuất khẩu các sản phẩm điện thoại và linh kiện của cả nước đạt khoảng 9,9 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục giữ vững vị trí mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.

Nói là “cả nước”, nhưng thực tế, gần như 100% con số trên thuộc về thành tích của SEV. Số liệu được ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng điện thoại di động và linh kiện.

Mà hiện thời, trong lĩnh vực này, SEV đang giữ vai trò độc tôn. Nhà máy sản xuất điện thoại Nokia ở Bắc Ninh cũng đã có chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên, song con số không lớn.

Mọi chuyện có thể sẽ khác hơn nữa, khi vào khoảng tháng 8, tháng 9 tới, Nokia bắt đầu tăng công suất và khi nhà máy sản xuất điện thoại di động thứ hai của Samsung ở Thái Nguyên đi vào hoạt động (dự kiến vào cuối năm nay), chắc chắn, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này sẽ còn lớn hơn nữa, trong năm nay và các năm tiếp theo. Và khi ấy, tỷ lệ 99% có thể sẽ bị phá vỡ.

Nhưng không chỉ với mặt hàng điện thoại và linh kiện, các doanh nghiệp FDI mới chiếm thế thượng phong. Theo ông Khánh, 6 tháng đầu năm nay, các mặt hàng công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng cao đều là do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, với máy vi tính, linh kiện và hàng điện tử, doanh nghiệp FDI đóng góp 98,2%; giày dép chiếm 77,4%, hàng dệt may chiếm 60%, máy ảnh lên tới 99,6%.

“Khu vực FDI đã tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 4 năm liên tục và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của cả nước 6 tháng đầu năm là 8,6 tỷ USD, nếu không tính dầu thô, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp tới 95% kim ngạch tăng thêm (đạt khoảng 8,23 tỷ USD)”, ông Khánh phân tích và cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm của khu vực FDI (không kể dầu thô) đạt tới 28,3%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.

Cùng chung nhận định, song ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) không khỏi băn khoăn khi nhóm hàng xuất khẩu lớn, mà doanh nghiệp FDI đang giành lợi thế phần lớn lại là gia công, lắp ráp. Do vậy, xuất khẩu nhiều, mà nhập khẩu cũng lắm.

Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI trong nhóm hàng điện thoại và linh kiện chiếm 87%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 92%, vải 62%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 67%... Và trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng thêm của cả nước trong 6 tháng đầu năm (9,4 tỷ USD), thì của riêng khu vực FDI đã chiếm 7,8 tỷ USD.

Mặc dù vậy, một cách thẳng thắn, thì nửa đầu năm, khu vực FDI, không kể dầu thô vẫn xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD; còn nếu tính cả dầu thô, con số này là khoảng 5,4 tỷ USD. Nói vậy để thấy, khu vực FDI thời gian qua đã có những đóng góp rất tích cực cho kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong khi đó, sự yếu thế tiếp tục thuộc về khối doanh nghiệp trong nước - tăng trưởng xuất khẩu rất thấp, trong khi nhập siêu lớn. 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 1,4 tỷ USD, trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp trong nước đã nhập siêu tới hơn 6,8 tỷ USD.

Khó có thể nói tới kẻ thắng - người thua trong cuộc đua xuất nhập khẩu này. Song lợi thế đang thuộc về khối doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, đặc biệt là có lợi thế về thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 mới đây, lãnh đạo các địa phương khi phát biểu tại phiên họp, đều lên tiếng về việc phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế trong nước.

Thậm chí, theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, cần phải nghiên cứu kỹ xu hướng các doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn, nhưng gia công nhiều, để làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, đáp ứng nhu cầu nguyên, phụ liệu cho khối doanh nghiệp này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư