Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khối ngoại săn “cá mập”
Chí Tín - 21/01/2015 09:16
 
Động thái nhà đầu tư nước ngoài bán ròng về khối lượng giao dịch, nhưng mua ròng về giá trị cho thấy, khối ngoại có xu hướng săn các cổ phiếu “cá mập”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
'Sói già phố Wall' chia sẻ bí quyết gì tại Việt Nam?
Dòng tiền đổ về nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ
Mua cổ phiếu quỹ để thổi giá?

Trong tuần giao dịch thứ hai của tháng 1/2015, khối ngoại mua vào trên 37,6 triệu chứng khoán trên sàn TP.HCM và bán ra hơn 42,2 triệu chứng khoán. Tính về khối lượng, khối ngoại đã bán ròng 4,6 triệu chứng khoán. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng trên 100 tỷ đồng nếu tính về giá trị. Theo đó, họ mua vào lượng cổ phiếu có giá trị 1.429 tỷ đồng và chỉ bán ra 1.329 tỷ đồng. Riêng trong phiên 19/1, khối ngoại mua ròng cả về khối lượng và giá trị trên HOSE, với khối lượng mua ròng hơn 1,3 triệu chứng khoán trị giá hơn 43 tỷ đồng.

Lộ trình nới “room” vẫn là ẩn số, nhưng tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang kỳ vọng chủ trương này được thực thi

Theo ông Lê Đình Trọng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán An Thành (ATSC), động thái mua ròng về giá trị và bán ròng về khối lượng này là tín hiệu cho thấy, khối ngoại đang có động thái cơ cấu mạnh danh mục chuyển từ penny sang các cổ phiếu blue-chips.

Hiện khả năng nới lỏng tỷ lệ tham gia cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ. Năm 2015, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, như xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, hoàn thiện Đề án Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (room) cũng có thể được các nhà quản lý xem xét chỉnh sửa theo hướng nới rộng trong một thời gian phù hợp.

Tuy lộ trình nới “room” vẫn còn là một ẩn số, nhưng tâm lý nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đang kỳ vọng chủ trương này được thực thi. Với các nhà đầu tư trung hạn trở lên, việc gom hàng từ sớm sẽ là quyết định khôn ngoan, bởi khi đã có các thông tin chính thức, thì việc mua vào gần như là bất khả thi, nhất là với các nhà đầu tư tổ chức.

Do đó, chủ đề luôn được quan tâm là, nếu việc nới room được hiện thực, thì nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm chú ý?

Đương nhiên, các cổ phiếu đã có tỷ lệ cổ phần nước ngoài cao là những đối tượng đứng đầu danh sách này, bởi đây luôn là các cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng không thể mua thêm.

Tính đến tháng 1/2015, các cổ phiếu nằm trong danh mục này gồm một số tên tuổi quen thuộc như HCM (Chứng khoán TP.HCM), FPT (Công ty FPT), VSC (Container Việt Nam), DHG (Dược Hậu Giang), PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), VNM (Vinamilk), DMC (Domesco Đồng Tháp)…

Những cổ phiếu này luôn được các nhà đầu tư nước ngoài để mắt. Ngay cả trong những thời điểm dư luận không còn quan tâm nhiều về chính sách nới room, thì các tên tuổi này vẫn âm thầm được khối ngoại săn đón, bất cứ có nhà đầu tư ngoại nào rút vốn là lập tức có ngay người tiếp quản.

HCM là một trong những cổ phiếu đáng quan tâm trong giai đoạn từ đầu năm 2015 đến nay. Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, HCM đã tăng giá khá mạnh, từ mốc trên 28.000 đồng lên trên 33.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, Chứng khoán TP.HCM chưa công bố báo cáo năm 2014, nhưng nhìn vào tình hình kinh doanh 9 tháng, thì hoạt động công ty này vẫn khá tốt. 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 640 tỷ đồng doanh thu, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 86% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng, tăng 78% và hoàn thành 94% kế hoạch năm.

Cổ phiếu FPT cũng có nhịp phục hồi với chu kỳ giống HCM. FPT bắt vào nhịp sóng tăng từ đầu năm 2015 với mức tăng từ mốc khoảng 46.000 đồng/cổ phiếu lên mức 48.000 đồng/cổ phiếu.

11 tháng đầu năm 2014, FPT đạt doanh thu 30.857 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, đạt 110% kế hoạch lũy kế 11 tháng. Sự kiện iPhone 6 và iPhone 6 Plus được FPT phân phối từ ngày 14/11 khiến doanh thu phân phối iPhone của FPT Trading tăng vọt lên 655 tỷ đồng riêng trong tháng 11/2014, cao xấp xỉ 5 lần so với doanh số trung bình các tháng trước đó. Sau 11 tháng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FPT đạt 2.269 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 93% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 1.487 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.323 đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, DHG của Dược Hậu Giang vẫn là cổ phiếu neo thị giá ở mặt bằng cao nhất trên sàn chứng khoán hiện nay. Trong suốt năm 2014, DHG luôn duy trì ở mặt bằng giá 94.000 - 95.000 đồng/cổ phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư