Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm chứng khoán tuần qua
Khối ngoại tiếp tục xả hàng; VN-Index về thấp nhất 19 tháng; loạt doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin
Thanh Thuỷ - 02/10/2022 18:14
 
VN-Index giao dịch tiêu cực và nằm trong top 3 thị trường giao dịch tệ nhât tuần cuối cùng của tháng 9. VIC và VHM là đầu tàu kéo tụt chỉ số chung.
Các chỉ số chứng khoán rơi sâu tuần qua dù nhích lên hồi phục trong nửa cuối phiên chiều thứ Sáu
Các chỉ số chứng khoán rơi sâu tuần qua dù nhích lên hồi phục trong nửa cuối phiên chiều thứ Sáu.

Tuần lao dốc 

Dù đã có sự hồi phục trong phiên chiều thứ Sáu, đà lao dốc mạnh 4 phiên đầu tuần vẫn khiến chứng khoán Việt Nam có tuần giao dịch cuối tháng 9 tiêu cực.  

Chỉ số VN-Index có thời điểm lùi xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm và kết tuần tại mức 1.132,1 điểm, giảm 5,9% sv cuối tuần trước. Diễn biến tiêu cực của VN-Index đã đưa chứng khoán Việt Nam lọt nhóm giảm mạnh nhất thế giới, chỉ sau Phillipines (-8,28%) và Nga (-7,54%).

HNX- Index và UPCOM- Index cũng giảm manh. Chỉ số sàn HNX lùi về mức 250,3 điểm (-5,4% so với cuối tuần trước). UPCOM-Index giảm về mức 85 điểm (-4,1% so với cuối tuần trước).

Khối lượng giao dịch tăng mạnh tại phiên rơi sâu đầu tuần và cả phiên cuối tuần khi ngưỡng 1.100 điểm bị xuyên thủng. Bình quân, tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 594,51 triệu đơn vị/phiên, tăng 17,66% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 13.664,46 triệu đơn vị/phiên, tăng 12,75% so với tuần trước. Trong khi đó, tên sàn HNX, dù khối lượng giao dịch bình quân tăng 4,61% nhưng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.299,80 tỷ/phiên, giảm 1,17% so với tuần trước.

Thông tin vĩ mô tích cực được công bố với GDP quý III/2022 tăng trưởng vượt dự báo đạt 13,67% và thu ngân sách 9 tháng gần đạt mục tiêu cả năm 2022 vẫn không ngăn được đà lao dốc của các chỉ số.

Hai đầu tàu kéo VN-Index đi xuống là VIC và VHM. VIC đã giảm hơn 12% riêng tuần qua, kéo tụt quy mô vốn hoá của Vingroup tụt xuống vị trí thứ 4 từ ngôi á quân duy trì trong thời gian dài. Tương tự, VHM cũng giảm 11,4% trong tuần. 

Cổ phiếu ngân hàng cũng điều chỉnh sâu. VCB, CTG và VPB cũng nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tiệu cực nhất đến VN-Index. Việc một loạt các ngân hàng công bố tăng lãi suất huy động sau khi NHNN nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn đã khiến giới đầu tư lo ngại chi phí huy động tăng cao trong khi mặt bằng lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại khó có thể tăng tương ứng sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên NIM của các ngân hàng.

Khối ngoại bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp

Theo đánh giá của VNDirect, sự ảm đạm chứng khoán Việt Nam đến từ sự suy yếu của dòng tiền đầu tư vào các kênh tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh sau động thái nâng lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.

Đây đã là tuần thứ 6 liên tiếp khối ngoại bán ròng trên thị trường với giá trị bán ròng gần 1.150 tỷ đồng, cao hơn hẳn 5 tuần liền trước. Điểm sáng là các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trong phiên cuối cùng của tháng 9, dù chỉ tập trung ở cổ phiếu DGC.

Các cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh nhất tuần qua là nhóm bất động sản gồm NLG (312 tỷ đồng), KDH (239 tỷ đồng), NVL (197 tỷ đồng). Một số cổ phiếu khác như VNM, HAH, CTG cũng bị bán mạnh trên trăm tỷ đồng.

DGC là điểm sáng khi được khối ngoại quay lại mua trong phiên thứ Sáu, qua đó vẫn giải ngân hàng gần 77 tỷ đồng cả tuần. Chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30, KBC, PVD cũng được khối ngoại mua ròng trên 70 tỷ đồng.

Dù vậy, xu thế bán của khối ngoại vẫn áp đảo. Bên mua ròng tuần này là khối tự doanh công ty chứng khoán. Thống kê của FiinPro trên riêng sàn HoSE, các tổ chức trong nước mua ròng trở lại 1.542 tỷ đồng, trong đó riêng giao dịch khớp lệnh mua ròng 2.030 tỷ đồng. Tổ chức trong nước không gồm tự doanh chỉ mua ròng 226 tỷ đồng. Cùng khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng bán ròng hơn nghìn tỷ đồng sau chuỗi 5 tuần mua vào liên tiếp.

Phạt Chứng khoán phố Wall 175 triệu đồng do vi phạm quản lý chứng khoán

Tuần qua, tiếp tục có thêm thành viên thị trường nhận quyết định xử phạt của Uỷ bản chứng khoán do vi phạm trong hoạt động nghiệp vụ. Công ty cổ phần Chứng khoán Phố Wall vi phạm quy định về quản lý chứng khoán của khách hàng. UBCKNN đã quyết định phạt hành chính với mức phạt tiền 175 triệu đồng.

Buộc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam đưa cổ phiếu lên sàn trong thời hạn tối đa 60 ngày

UBCKNN đã quyết định phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam tổng cộng 420 triệu đồng. Trong đó, phạt tiền 350 triệu đồng do công ty không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán. Công ty đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với UBCKNN trước ngày 01/01/2016 nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch/niêm yết chứng khoán. UBCKNN cũng buộc công ty nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Ngoài ra, công ty còn chịu mức phạt tiền 70 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, công ty không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Công ty và trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN nhiều tài liệu gồm Báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2014 cùng các quý trong năm 2015; quý I/2016; các BCTC kiểm toán các năm 2014, 2015; báo cáo thường niên các năm 2014, 2015, 2021; báo cáo tình hình quản trị công ty các năm 2014, 2015; báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm của 2015, 2021. Công ty cũng không công bố nghị quyết, biên bản và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015. Công ty cũng công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN không đúng thời hạn đối với hàng loạt các báo cáo khác.

Xử phạt Camimex Group vì giải toả sớm tiền huy động từ cổ đông, cho vay bên liên quan chưa được ĐHĐCĐ chấp thuận

Theo quyết định xử phạt của UBCKNN, Công ty Cổ phần Camimex Group nhận án phạt tổng cộng 310 tỷ đồng. Công ty đã vi phạm khi công bố thông tin không đầy đủ nội dung như thống kê thiếu số cuộc họp cùng các nghị quyết HĐQT, không trình bày giao dịch với bên liên quan trong báo cáo quản trị năm 2020 và 2021. Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020 chưa thống kê nghị quyết ngày 30/01/2020 phê duyệt thông qua triển khai phân phối cổ phiếu CMX; Báo cáo tình hình quản trị năm 2021 chưa thống kê nghị quyết ngày 13/8/2021 thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, và thông qua hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ.);

Công ty cũng giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi UBCKNN có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán tới 3 ngày. Ngoài ra, công ty còn vi phạm quy định về giao dịch với người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này. Cụ thê,r giao dịch giữa Camimex Group với Công ty Cổ phần Camimex, Công ty Cổ phần Camimex Foods và Công ty Cổ phần Camimex Logistics là các tổ chức có liên quan với người nội bộ của Công ty trong năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021, Công ty đã cho Công ty Cổ phần Camimex vay khi chưa được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Phạt Gỗ Trường Thành, Tân Phú, Công trình giao thông Đồng Nai vì công bố thông tin 

UBCKNN đã quyết định phạt Tổng Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch. Số liệu các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính quý IV/2021 và báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 do điều chỉnh các khoản dự phòng đối với các khoản phải thu từ công ty con và dự phòng các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tại BCTC năm 2021 được kiểm toán; điều chỉnh dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu từ công ty con tại BCTC bán niên năm 2022 được soát xét. Đồng thời, UBCKNN buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cải chính thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai bị phạt tiền 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn. Nhiều báo cáo đã nộp trễ như báo cáo tài chính riêng và hợp nhất Quý I, Quý II/2021; Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) số 28/NQ-HĐQT ngày 20/5/2021 về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của ông Trần Ngọc Minh và bổ nhiệm ông Trần Quang Tuấn làm Phó Chủ tịch HĐQT; cùng các nội dung công bố định kỳ 6 tháng và năm 2021về tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu của đợt chào bán trái phiếu 200 tỷ đồng năm 2019.

UBCKNN cũng xử phạt Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật, bao gồm nội dung công bố thông tin định kỳ 06 tháng năm 2021 về báo cáo tài chính trong kỳ, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu trong kỳ, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu trong kỳ; nội dung công bố thông tin về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn.

Ngoài ra, công ty còn bị phạt tiền 15 triệu đồng vì tổ chức họp ĐHĐCĐ trực tuyến trong khi không quy định tại quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.

Công ty cũng bị phạt tiền 125 triệu đồng vì không đảm bảo thành viên Ủy ban kiểm toán đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và không thuộc các trường hợp pháp luật quy định. Ông Ngô Đức Trung là thành viên Uỷ ban kiểm toán đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam. Tổng cộng mức phạt hành chính là 210 triệu đồng.

Góc nhìn TTCK tuần đầu tháng 10/2022: Kỳ vọng hãm đà rơi
Tuần giao dịch khó khăn đối với nhà đầu tư cá nhân khi có đến 4/5 phiên giảm điểm, tâm lý bi quan lan rộng, nhà đầu tư chỉ muốn hãm đà rơi,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư