Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Khơi niềm tin từ động lực nội tại
Bảo Duy - 09/07/2013 12:25
 
Bức tranh chung về hoạt động sản xuất - kinh doanh tuần đầu tháng 7 của nền kinh tế tiếp tục ghi nhận những động thái trái chiều.

Trong khi kinh tế vĩ mô có thêm một số điểm tích cực, nhất là sự quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, lãi suất tiếp tục giảm, sự vào cuộc của hàng loạt chính sách mới liên quan đến miễn, giảm thuế…, thì những chỉ số vi mô từ hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lại không có sự tương đồng.

Cụ thể là, số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2013 vẫn tăng 12,3% so với cùng kỳ. Sàn niêm yết chứng khoán ghi nhận sự rút lui của 21 doanh nghiệp, trong đó có tới 16 doanh nghiệp bị buộc hủy niêm yết do kinh doanh thua lỗ. Có vẻ, năng lực hấp thụ những bước chuyển tích cực của doanh nghiệp đang có vấn đề.

Cùng với đó, sự sụt giảm liên tiếp về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI - do Ngân hàng HSBC thực hiện) trong tháng 5 và tháng 6/2013 tiếp tục cảnh báo những bất ổn lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.

Cũng phải nói thêm, với mức 46,5 điểm, PMI của ngành sản xuất Việt Nam đã rơi xuống mức thấp thứ ba kể từ khi cuộc khảo sát này được thực hiện (tháng 4/2011).

Tuy nhiên, ở đây không đơn giản là sự trì trệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Phải nhắc lại quan điểm của ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam) trong lần trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn vào tuần trước khi bình luận về mức tăng trưởng tín dụng 3% trong tháng 6 tháng đầu năm của Việt Nam rằng, tổng cầu và niềm tin kinh doanh quá thấp là những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp và sự chờ đợi đang khiến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chênh vênh, chưa có bến đậu vững chắc.

Sự chờ đợi của doanh nghiệp được nhắc tới ở đây là những hành động cụ thể với tư duy thị trường trong thực hiện các kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, trong nỗ lực giải quyết nợ xấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công… mà họ đã rất nhiều lần nhắc đi, nhắc lại.

Thậm chí, khi gói hỗ trợ gần 100 tỷ đồng mà Hà Nội dành cho các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa có đơn hàng, có hợp đồng sản xuất, xuất khẩu… cũng ế, với tỷ lệ giải ngân 6 tháng mới đạt 7,6%... chứng tỏ, tâm lý thận trọng và thiếu niềm tin đang chi phối mạnh mẽ kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Song, ở một góc độ khác, có thể thấy, sự nóng ruột và hối thúc của doanh nghiệp với những động thái chính sách theo hướng nâng cao hiệu quả, giảm mạnh can thiệp hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng thị trường, đang chứng tỏ áp lực phải thay đổi từ nội tại trong từng doanh nghiệp hiện rất mạnh mẽ.

Sự chờ đợi theo kiểu dựa dẫm vào những chính sách hỗ trợ đang giảm dần, thế chân đó là những nỗ lực trở lại năng lực kinh doanh cốt lõi. Trong quá trình này, sự sàng lọc là tất yếu theo đúng quy luật thị trường, nhưng kết quả của nó sẽ là tư duy kinh tế theo thông lệ thị trường sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh thực chất và bền vững.

Tất nhiên, để hậu thuẫn cho sự thay đổi nội tại này của doanh nghiệp, tư duy của những người làm chính sách cũng rất cần phải thay đổi theo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư