Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng giảm do niềm tin kinh doanh thấp
Hà Tâm - 05/07/2013 08:44
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam) cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay khiến tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng yếu là do thiếu niềm tin và để phục hồi niềm tin, cần phải tái cấu trúc thật nhanh.

Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tiếp tục giảm trần lãi suất huy động. Ông có cho rằng, đây là thời điểm để NHNN bỏ hẳn trần lãi suất?

Tôi cho rằng, thời gian qua, NHNN ban hành các chính sách đúng đắn về lãi suất khi từng bước hạ lãi suất, đồng thời thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay mới. Đến nay, NHNN đã ổn định được môi trường tiền tệ. Tuy nhiên, tôi nghĩ, lãi suất hiện nay không phải là áp lực hay mối đe dọa nữa. NHNN đã tuyên bố, việc áp dụng trần lãi suất huy động chỉ là tạm thời. Tôi cho rằng, thời điểm dỡ bỏ trần lãi suất đang đến gần.

Tóm lại, Việt Nam muốn kích thích tăng trưởng và lãi suất là công cụ khá hữu hiệu. Thời gian qua, NHNN đã có nhiều động thái tích cực khi giảm lãi suất. Song cần lưu ý, lãi suất không phải là công cụ duy nhất thúc đẩy tăng trưởng, mà vẫn còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết để tăng trưởng hiệu quả.

6 tháng đầu năm, tín dụng mới tăng hơn 3%. Theo ông, tín dụng có tăng trưởng khả quan trong 6 tháng cuối năm?

Thông thường, tín dụng của nền kinh tế thường thấp trong quý I và quý II. Không gian cho tăng trưởng tín dụng vẫn còn. Nếu nhìn vào sự khác biệt của dòng tín dụng USD và tiền đồng, có thể thấy, có lý do để tín dụng tiền đồng tiếp tục tăng cao, vì chủ trương của NHNN là giảm đô-la hóa, tăng sử dụng tiền đồng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, tín dụng giảm sút là do tổng cầu giảm, làm hạn chế niềm tin của doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư.

Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề hiện nay là tổng cầu và niềm tin kinh doanh quá thấp, dẫn đến tín dụng thấp. Bạn có niềm tin trong đầu tư, bạn có niềm tin trong cho vay không? Niềm tin là thứ rất khó để lấy lại. Tôi cho rằng, việc tái cấu trúc phải làm thật nhanh; nếu không, mọi sự chờ đợi sẽ ảnh hưởng tới niềm tin, tới tăng trưởng tín dụng.

Vậy ông dự đoán, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng như thế nào?

Chúng tôi thường xem tăng trưởng từng quý và số liệu cho thấy quý II tăng trưởng nhanh hơn quý I. Chúng tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng tiếp trong quý III và IV. Dù vậy, tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể sẽ thấp, như dự báo chúng tôi đã đưa ra từ đầu năm.

Theo dự báo gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng thấp hơn mức 5,4% (thấp hơn năm ngoái). Điều này có gây ra một chút thất vọng.

Dù vậy, riêng thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn, vì mới có 15% dân số có tài khoản ngân hàng. Vấn đề là ngân hàng nào phù hợp và tận dụng tốt với tiềm năng tăng trưởng đó. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là ngành ngân hàng phải giải quyết được nợ xấu và đảm bảo các ngân hàng có tiêu chuẩn cho vay hợp lý.

NHNN đang dự định nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước. Theo ông, NHNN nên nới ở mức độ nào và nếu tỷ lệ này được nâng lên, Standard Chartered có muốn đầu tư thêm vào các ngân hàng Việt Nam?

Chúng tôi tin tưởng rằng, quản trị rủi ro của các ngân hàng Việt Nam cần phải được nâng cao, họ cũng cần phải có thêm kinh nghiệm quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp từ quốc tế. Việc nâng cao tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng trong nước là một cách giúp Việt Nam đạt được điều này.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để có được sự thay đổi thật sự trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nếu nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia điều hành, kiểm soát để thay đổi quản trị của ngân hàng đó.

Chúng tôi mong muốn NHNN nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng Việt Nam, nhưng việc này cần làm song song với việc thiết lập hành lang bảo vệ cổ đông thứ yếu trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư