Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Không chỉ con số 1,5 triệu đến năm 2025, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn là thách thức lớn
Khánh Linh - 27/09/2022 17:01
 
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, VCCI nhắc đến cơ chế khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
.
Tọa đàm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW do VCCI phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam

Cần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt không chỉ có tài mà cần có cả đạo đức và văn hóa kinh doanh

Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc lại con số này trong Tọa đàm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” sáng nay, ngày 27/9.

Việt Nam có gần 907 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước tham gia lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh khoảng 7 triệu người;

 7 doanh nhân lọt vào top tỷ phú USD toàn cầu năm 2022, 124 doanh nghiệp (với 283 sản phẩm) được công nhận đạt thương hiệu quốc gia, nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trong thị trường khu vực, quốc tế.

Nhưng nếu xét mục tiêu về số doan nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp của Nghị quyết 09 thì việc thực hiện rõ ràng không dễ.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia.

Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật. 

.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI

“Thực tế trên đặt ra vấn đề cần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ có tài mà cần có cả đạo đức và văn hóa kinh doanh, như vậy mới góp phần đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra”, ông Phòng trao đổi tại cuộc Tọa đàm.

Để phục vụ xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW,  VCCI phối hợp với Viện kinh tế Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” với mục đích thu thập ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hiện hội doanh nghiệp và doanh nhân về các chủ đề liên quan đến việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

VCCI đang đặc biệt quan tâm đến các nội dung như mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; đánh giá tác động của quá trình hội nhập quốc tế đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2021; đánh giá vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2021; 

Việc xây dựng hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp trong nước phù hợp với cam kết quốc tế trong bối cảnh mới và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng được bàn tới.

Đặc biệt, VCCI quan tâm đến môi trường thể chế để khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế được quan tâm.

Thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng thẳng thắn nhận định, bối cảnh hội nhập, môi trường kinh doanh biến đối rất nhanh đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu vừa phải có tầm nhìn toàn cầu, song có tri thức địa phương.

.
Ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam 

“Hãy nỗ lực là một khâu, một mắt xích của chuỗi liên kết để bắt kịp các xu hướng hội nhập, sản xuất, quản lý, công nghệ,.. và là “người chơi” trong các “cuộc chơi” trong nước, khu vực và toàn cầu; luôn nỗ lực để cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị”, ông Sang chia sẻ.

Nhưng để thực hiện được điều này, nắm bắt được các cơ hội, đối phó được những thách thức và là một mắt xích có trọng lượng, doanh nghiệp, doanh nhân cần sớm chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao năng lực bản thân, gia tăng sức cạnh tranh.

“Các doanh nghiệp phải vừa “thoát ta”, nghĩa là cải thiện nội lực, nhưng cũng không chủ quan, thụ động và tránh “nước đến chân rồi mới nhảy”, tránh bị hiệu ứng con ếch bị luộc chín”, ông Sang nói.

Như vậy, từng doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng; và nhận dạng đúng các cơ hội, rủi ro/thách thức như lịch trình cắt giảm thuế quan theo FTA, xu thế công nghệ và quản lý/quản trị doanh nghiệp, rủi ro,…

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ cần xác định rõ các điều kiện phát triển hữu hiệu từng ngành đặc thù cũng như các tập đoàn đa quốc gia hiện đang hoạt động để có chiến lược đầu tư, liên kết kinh doanh phù hợp

Tham gia đóng góp vào nội dung này, TS. Cấn Văn Lực có hàng loạt kiến nghị.

Với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, ông gửi đến giải pháp là hoàn thiện, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp;

Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch hơn; sớm có giải pháp quyết liệt, chấm dứt tình trạng ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi cho một loại hình doanh nghiệp; lành mạnh hóa môi trường kinh doanh;

Với các doanh nghiệp, ông cho rằng, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp chưa niêm yết, áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp được ban hành bởi OECD, tiến tới bắt buộc thực hiện.

“Cần xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh vì đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp để trở thành một lợi thế cạnh tranh…", theo TS. Lực.

VCCI: Lan tỏa đạo đức kinh doanh bằng những tấm gương doanh nhân cụ thể
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh để công bố Quy tắc đạo đức doanh nhân và phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư