Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ban Kinh tế Trung ương: Nghe doanh nhân để tổng kết Nghị quyết 09 về doanh nhân
Khánh Linh - 15/09/2022 17:25
 
Chiều 15/9, Ban chỉ đạo Trung ương làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI.
,
Ban chỉ đạo Trung ương làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI chiều ngày 15/9.

Thay mặt các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự cuộc làm việc dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, qua hơn 35 năm đổi mới, tình hình đất nước, vị thế, tiềm lực, uy tín của đất nước khác nhiều so với 10 năm trước, thời điểm ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sự khác biệt này không chỉ là cơ hội, thời cơ, mà còn là thách thức trong bối cảnh mới. “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy cần thiết triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, trong đó, chú trọng 3 giải pháp đột phá”, ông Công trao đổi với đoàn công tác.

Một là, đề nghị xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.

Để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, ông Công nhấn mạnh điều kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội. Nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và doanh nhân.

Vì vậy, để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh về số lượng và chất lượng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đề nghị Đảng, Nhà nước có chủ trương, định hướng và quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới, Xây dựng và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân Việt Nam. Đảm bảo doanh nhân Việt Nam có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045…

Chia sẻ với các doanh nhân, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, có nhiều nội dung đề xuất đã có trong Nghị quyết 09, nhưng vấn đề là việc tổ chức thực hiện, cả phạm vi quốc gia, địa phương, ngành.

“Môi trường kinh doanh đang có vấn đề ở đâu, do nhận thức, do điều hành hay trong thực thi. Các doanh nhân có thể chỉ rõ, chứ không chỉ nhận diện vấn đề”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc thực hiện thí điểm việc phát triển Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân cần phải được tổng kết.

Trước đó, mở đầu cuộc làm việc của đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, ông Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các daonh nhân đánh giá kết quả thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ của nghị quyết.

“Ban Chỉ đạo mong muốn được lắng nghe ý kiến trực tiếp của cộng đồng doanh nhân về những nội dung nêu trên. Đâu là những kết quả nổi bật và đâu là những hạn chế, rào cản chính liên quan đến 7 nhóm nhiệm vụ này?...", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các doanh nhân nghiên cứu, xem xét, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới, để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, nhất là mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Cũng cần phải nhấn mạnh, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.

Số doanh nghiệp hoạt động của cả nước tăng 3 lần từ con số 279.360 doanh nghiệp vào năm 2010, lên 857.559 doanh nghiệp tính đến 31/12/2021. Khu vực doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 14.702.546 lao động (bình quân giai đoạn tăng 3,39%/năm); tương tự, vốn và doanh thu thuần cũng tăng lên, lần lượt tăng 14,55%/năm và 11,47%/năm trong giai đoạn này. 

Nếu tính cả khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế), thì Việt Nam đã có hơn 7 triệu doanh nhân.

7 phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết 09-NQ/TW:

(1) Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; (2) Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; (3) Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; (4) Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; (5) Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; (6) Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; và (7) là Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư