Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không chuẩn bị tốt, doanh nghiệp Việt sẽ phải thuê lao động nước ngoài
Mạnh Bôn - 21/09/2015 08:33
 
Tại phiên họp cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra khá nhiều hạn chế, bất cập sau gần 9 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo TS. Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, muốn tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức trong hội nhập, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, vì hội nhập càng sâu, thách thức càng lớn.

Sau khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ hội nhập nhanh hơn, sâu hơn, rộng hơn. Ông có nghĩ là thách thức ngày càng nhiều thêm?

Thách thức luôn đi cùng với cơ hội, vấn đề là phải nhìn ra cơ hội để tận dụng, nhìn ra thách thức để tìm cách vượt qua. Hội nhập quốc tế vốn đã hết sức phức tạp, ngày nay lại càng phức tạp hơn vì các FTA đa phương hoặc song phương mà Việt Nam đã và sắp ký kết có mức độ mở cửa rộng hơn, sâu hơn và nhanh hơn so với WTO rất nhiều.

Thách thức của nền kinh tế khi gia nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới có thể khái quát ở một số điểm cơ bản sau: mức độ cạnh tranh quốc gia chưa cao; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu; công nghệ sản xuất - kinh doanh lạc hậu so với thế giới; chất lượng nguồn nhân lực chưa cần so với thế giới mà chỉ so với các nước ASEAN 6 vẫn còn khoảng cách khá xa; năng lực quản trị, điều hành của doanh nghiệp còn nhiều bất cập…

TS. Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
TS. Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Chỉ riêng về năng lực cạnh tranh quốc gia, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015 của Việt Nam xếp thứ 68, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 20, Thái Lan 31, Indonesia 34, Philippines 52 trong số 144 nền kinh tế được xếp hạng. Điều này phản ánh, những thay đổi trong năng lực cạnh tranh quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập.

Như vậy là còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn hội nhập thành công, thưa ông?

Tham gia sân chơi chung, nếu không nắm vững được quy tắc, luật chơi, những điều được phép làm và những điều cấm; nếu không biết mình có lợi thế gì, khó khăn gì; thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có năng lực, có tay nghề, kinh nghiệm…, thì như câu cửa miệng mà nhiều chuyên gia kinh tế hay nói là “thua trên sân nhà”.

Còn để không “thua trên sân khách” thì sao?

Một vấn đề nữa trong hội nhập là phải thường xuyên đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống bảo hộ, chống trợ cấp. Chúng ta đang gặp khá nhiều khó khăn khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế do đội ngũ luật gia, luật sư Việt Nam dù phát triển khá đông về số lượng trong những năm gần đây, nhưng trình độ, năng lực, sự am hiểu các luật chơi, thông lệ quốc tế, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ còn rất hạn chế.

Được biết, cho đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam liên quan đến khoảng 80 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở nhiều thị trường. Tất cả các vụ điều tra phòng vệ thương mại đều gây ra những thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, muốn không bị thua trên sân khách, thì phải quan tâm nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng xử lý tranh chấp thương mại, xử lý kiện tụng, điều tra của đội ngũ luật sư, luật gia.

Đón đầu Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Philippines đang tích cực đào tạo nghề cho người lao động để sẵn sàng làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, thậm chí là giúp việc tại Việt Nam. Trong khi chúng ta dường như chưa có sự chuẩn bị gì?

Về lý thuyết, khi gia nhập AEC, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang các nước trong khu vực, vì có lợi thế về nguồn lao động trẻ, khéo tay, làm việc chăm chỉ, năng suất lao động không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Tuy nhiên, khả năng tiếng Anh quá kém, kỷ luật lao động yếu đang là rào cản rất lớn khi cạnh tranh trên thị trường lao động không chỉ là thị trường khu vực mà ngay cả thị trường nội địa.

Nếu không kịp thời đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật, ngoại ngữ cho người lao động thì không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, mà thậm chí cả doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam cũng có khả năng phải thuê lao động nước ngoài làm việc, đặc biệt là lao động Philippines vì ngoài kỹ năng, kỹ xảo, tay nghề, kỷ luật làm việc, họ “ăn đứt” lao động Việt Nam về trình độ tiếng Anh.

Không phải cứ ký FTA là tận dụng được ngay
Ngày 18/9, tại Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư