Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015: Đừng lo doanh nghiệp không hội nhập được
Bảo Duy - 28/08/2015 09:09
 
Doanh nghiệp sẽ phải thay đổi, cải thiện năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội của việc mở cửa thị trường. Nhưng để có được sự thay đổi này, phải có những cải cách thể chế mạnh mẽ hơn và mang tính thị trường hơn từ phía Nhà nước.
Diễn đàn kinh tế Mùa Thu 2015 tập trung vào vấn đề hội nhập
Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2015 tập trung vào vấn đề hội nhập

 

Là người đăng đàn thứ ba trong cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2015, diễn ra hôm qua (27/8) tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhưng ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại là người đầu tiên lên tiếng... bênh vực doanh nghiệp.

Trước đó, thông tin về việc doanh nghiệp “vô tư” trước hội nhập, khi có tới 70% doanh nghiệp không biết thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đến sát chân, chứ chưa nói đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới vừa hoặc sắp ký kết, được đưa ra như một trong những lý do khiến tình trạng cơ hội từ hội nhập bị chuyển hóa thành thách thức ngày càng trầm trọng.

“Lâu nay, doanh nghiệp hay bị phê phán là không quan tâm đến hội nhập, năng lực cạnh tranh yếu, không tận dụng cơ hội từ mở cửa thị trường... Điều này đúng, nhưng chưa đủ bởi doanh nghiệp Việt Nam đang dò dẫm trong hội nhập với những gánh nặng quá lớn”, ông Cung thẳng thắn.

Lấy hình ảnh một người còng lưng vì gánh nặng, cúi đầu tìm chỗ đặt chân trên chiếc cầu khỉ chênh vênh, ông Cung cho rằng, với gánh nặng chi phí và những rủi ro trong kinh doanh hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể lo làm sao không sa chân, chứ không thể nhìn xa ra thị trường bên ngoài, thị trường hội nhập như những nhà hoạch định chính sách mong muốn.

“Tôi có cảm giác khi nói về hội nhập, chúng ta nói nặng về doanh nghiệp, nhẹ về Nhà nước, trong khi trọng tâm của hội nhập là ở Nhà nước, đó là thay đổi thể chế, thay đổi chức năng, công cụ quản lý để tạo điều kiện cho thị trường phát triển, để doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội của hội nhập”, ông Cung kiến nghị.

Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đã đưa ra bảng thống kê về tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng được nguyên tắc xuất xứ trong ASEAN. Năm 2005, tỷ lệ này là 6,07%, năm 2010 là 14,11% và đến năm 2014, tỷ lệ này mới đạt 25,6%.

“Có hai lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam không tranh thủ được ưu đãi này. Một là, doanh nghiệp quá nhỏ, không quan tâm. Hai là, cơ cấu kinh tế không dịch chuyển trong suốt thời gian này, công nghiệp hỗ trợ không phát triển, nền công nghiệp thiên về lắp ráp”, ông Tuyển phân tích và cho rằng, đây là trách nhiệm của Nhà nước.

Hơn thế, ông Tuyển cũng tiết lộ, nguồn gốc xuất xứ cũng là một phần lý do mà một số cuộc đàm phán trong TPP chưa suôn sẻ.

“Doanh nghiệp sẽ không thể lớn mạnh, thậm chí sẽ thụt lùi nếu không có thể chế tốt, nếu Nhà nước không thay đổi chức năng từ nhà nước chỉ huy, nhà nước can thiệp, nhà nước sở hữu sang nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp”, ông Tuyển khuyến nghị.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra. Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lên tiếng rất nhiều về việc doanh nghiệp không thể tiếp cận được các nội dung cam kết của các FTA một cách kịp thời và cụ thể.

Gửi kiến nghị tới Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu lần này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) đã buộc phải tiếp tục lên tiếng đề nghị công khai thông tin về các cam kết với người dân, doanh nghiệp.

 “Thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết… là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng, nắm bắt được các cơ hội to lớn mà các cam kết thương mại quốc tế mang lại”, ông Tuấn nhận định.

Trong nỗ lực cải thiện tình hình này, VCCI đã thành lập một đơn vị riêng, chuyên trách về các vấn đề hội nhập để hỗ trợ doanh nghiệp về WTO và các cam kết mở cửa thương mại.

“Nhưng như vậy là chưa đủ khi phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết sâu, những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp dự kiến sẽ rất lớn. Tôi cho rằng, cần thiết lập các đầu mối có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, giải thích nội dung các cam kết một cách chính thức cho các doanh nghiệp”, ông Tuấn đề xuất.

Cũng phải nhắc tới quan điểm của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) rằng, Việt Nam đang đứng đầu ASEAN trong số các FTA đã và đang đàm phán. “Đây là cuộc cạnh tranh về thể chế, về điều hành cấp quốc gia, chứ không đơn giản là cạnh tranh doanh nghiệp. Nếu thể chế có vấn đề, doanh nghiệp cũng không thể làm gì được”, ông Lược khẳng định.

Đây là lý do ông Lược giữ quan điểm, vào thời điểm này, chủ đề hội nhập và phát triển bền vững mà Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu đặt ra phải là đột phá về thể chế.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

"Hội nhập không có nghĩa là thế giới phẳng."

Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Hãy thử đi đến các địa phương, gặp doanh nghiệp để xem Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016 đang được triển khai trên thực tế thế nào, có phải như báo cáo không. Với con người và bộ máy công chức hiện tại, chúng ta rất khó làm được những bước cải cách thể chế mà chúng ta muốn.

Hội nhập không có nghĩa là thế giới phẳng. Các quốc gia đang sử dụng rất hiệu quả các hàng rào phi thuế quan để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, còn ta thì chưa. Vậy, vấn đề là chủ động và tích cực hội nhập, nhưng phải có hành động cụ thể, đừng như chương trình thực hiện WTO nhiều, nhưng thực hiện không được bao nhiêu. Cần có thể chế để doanh nghiệp có thể phát triển đúng hướng và theo chuẩn mực quốc tế.

"Sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm và cả quốc gia chưa cao."

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam tính từ năm 2007 đến nay được 8 năm. Nhiều báo cáo nhận định chúng ta đang tận dụng được cơ hội, thành quả là cơ bản. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, kết quả đạt được chưa tương xứng, chưa tận dụng được các cam kết. Đơn cử, mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, trong khi thị trường trong nước lại chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của hàng nước ngoài.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ đề này khi đến đến một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Lạng Sơn, Đà Nẵng cũng nhận thấy, sức cạnh cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm và cả quốc gia chưa cao. Vấn đề nhận thức của hội nhập cũng còn khoảng cách.

"Sự thay đổi, hội nhập của thể chế sẽ là động lực, điều kiện để doanh nghiệp, nền kinh tế tận dụng không gian thị trường."

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Hội nhập bao gồm hai khía cạnh: một là sân chơi, nghĩa là không gian thị trường; hai là luật chơi, nghĩa là thể chế. Vừa rồi, chúng ta nói nhiều đến không gian thị trường, trong khi chính sự thay đổi, hội nhập của thể chế sẽ là động lực, điều kiện để doanh nghiệp, nền kinh tế tận dụng không gian này.

Chỉ đơn cử khi trao đổi về nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) về năng suất lao động của Việt Nam thấp gần nhất trong ASEAN, Giám đốc Victoria Kwakwa hỏi tôi có tin vào nhận định này không. Tôi trả lời là tin vì doanh nghiệp Việt Nam đa phần là nhỏ và siêu nhỏ, đang có xu hướng nhỏ đi, trong khi doanh nghiệp lớn chủ yếu to lên do tận dung cơ chế, nên không doanh nghiệp nào an tâm đầu tư nâng cao năng suất.

"Lo công chức không quan tâm đến hội nhập, không hội nhập được."

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Một câu hỏi đang được đặt ra là liệu chúng ta có hội nhập nhanh quá so với năng lực chuẩn bị. Tôi cho rằng, câu chuyện không phải là nhanh hay chậm, mà là thế giới như vậy, nếu không hội nhập, thì ta vẫn phải đối mặt với những thay đổi đó của thế giới. Nếu tham gia, chúng ta sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, đi cùng với thế giới.

Tất nhiên, hội nhập không chỉ là kinh tế, mà gắn với cải cách thể chế ở tất cả các lĩnh vực, văn hóa, chính trị, kinh tế..., nên các thay đổi sẽ là khó khăn cho Việt Nam. Nhưng chúng ta phải hiểu sâu để thực hiện và đối mặt.

Đối mặt với thực tế này, có doanh nghiệp chết vì không cạnh tranh được, nhưng sẽ có những doanh nghiệp khác nổi lên thay thế. Đây không phải là mối lo của tôi, vì doanh nghiệp sẽ có thị trường dẫn dắt. Tôi lo công chức không quan tâm đến hội nhập, không hội nhập được.

Muốn thắng trong hội nhập phải cải cách thể chế hơn nữa
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu đang diễn ra tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, để hội nhập thành công phải đổi mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư